Thủy sản có thể đạt kỷ lục xuất khẩu trên 10 tỷ USD nếu đảm bảo được vùng nuôi

THỦY SẢN Vùng nuôi
18:42 - 27/06/2022
Đảm bảo vùng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: VNUA
Đảm bảo vùng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: VNUA
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại diện VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 có thể đạt mốc 10 tỷ USD. Tuy nhiên, vùng nuôi thu hẹp hơn so với 5 - 10 năm trước đang là thách thức lớn của ngành.

Thông tin về sản xuất kinh doanh ngành thủy sản tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, ngày 27/6, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chưa năm nào đặt hàng tính theo kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao như hiện tại. Điều này cho thấy nhu cầu thế giới đã phục hồi.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam sẽ thu về 5,6 tỷ USD xuất khẩu thủy sản. Dự báo hết năm 2022 con số thu được sẽ là khoảng 10 tỷ USD. Đây là con số khả dĩ đã tính đến những thách thức, khó khăn, ghi dấu ấn đầu tiên trong xuất khẩu thủy sản 10 năm trở lại đây.

Ảnh tác giả

Ngành hàng tuy còn nhiều dư địa để xuất khẩu nhưng nguyên liệu đang ngày càng thu hẹp. Do 70% nguyên liệu đến từ nuôi trồng thủy sản nhưng đất đai đã bị thu hẹp hơn so với 5 – 10 năm trước. Đây là thách thức lớn nhất bởi cần phải có vùng nuôi tập trung mới có đủ chất lượng và sản lượng đáp ứng đầy đủ đơn hàng xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP

Theo ông Nam, đầu tư cho chế biến về công nghệ và máy móc đang đáp ứng được yêu cầu, nhưng lại không có đủ nguyên liệu đã dẫn đến việc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó cần quan tâm đến vấn đề thuế, kiểm dịch để có cơ chế khuyến khích nuôi trồng.

Ngoài khó khăn về nguyên liệu, chi phí logistics của ngành thủy sản cũng là gánh nặng lớn khi đặc thù ngành này là phải vận chuyển đông lạnh. “Chi phí cho một container sang Mỹ 40 fit là 410 - 440 triệu đồng. Trung bình một doanh nghiệp thủy sản tầm trung chi phí logistics khoảng 10 – 20 tỷ vnd/tháng”, ông Nam dẫn chứng. Cùng với đó, chi phí hạ tầng cảng biển TP HCM được áp dụng từ ngày 1/4 đã tạo thêm khiến gánh nặng khiến chi phí logistics tăng cao.

Một khó khăn nữa được ông Nam chỉ ra là giá xăng dầu ảnh hưởng áp lực trực tiếp tới nghề cá khiến 50% tàu cá nằm bờ. Điều này ảnh hưởng xấu đến ngành khai thác chế biến thủy sản, gây thiếu nguyên liệu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế ngư dân cũng như bao trùm hơn là sự hiện diện kinh tế trên biển Đông của Việt Nam.

Nêu thêm về khó khăn chi phí áp dụng các quy định môi trường, theo ông Nam, quy định tiêu chuẩn của ngành môi trường áp dụng cho thủy sản trong dự thảo đang để chung trong quy chuẩn ngành công nghiệp đã gây bất cập cho ngành thủy sản. Lý do là công nghệ hiện tại chưa thể đưa chỉ tiêu phốt pho trong nước rửa xuống được mức mà ngành môi trường đang quy định, do hàng hóa xuất khẩu thường xuyên phải thực hiện đông lạnh.

Điều này khiến cho các doanh nghiệp gặp khó trong việc đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn. “Đáng lo ngại hơn là sẽ khiến doanh nghiệp bị đánh giá là không tuân thủ cam kết môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín doanh nghiệp ở thị trường xuất khẩu nước ngoài”, ông Nam nhấn mạnh.

Trước những khó khăn của đại diện doanh nghiệp thủy sản, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, vấn đề tàu thuyền phải nằm bờ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu, sản lượng thủy sản xuất khẩu là điều đáng quan ngại. Nhưng theo ông, ngành cũng cần lưu ý không nên quá tập trung vào sản lượng mà cần tập trung vào giá trị.

Trong 4 khâu của sản xuất là nguyên liệu đầu vào; nuôi trồng; chế biến và tiêu thụ thì khâu nuôi trồng là khâu rủi ro cao, giá trị thấp do vậy cần cân đối lại sự phân bổ và tập trung của ngành.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

“Về hạ tầng nghề cá, kinh tế biển là một vấn đề lớn, khi chi phí tăng cao, giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc mỗi lần tàu thuyền của ngư dân ra khơi đánh bắt cá xong lại phải vào bờ để sơ chế bán sản phẩm thì chưa thể tối ưu chi phí. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng để ngư dân yên tâm bám biển”.

Từ việc lắng nghe những khó khăn của các hiệp hội, ngành nghề chia sẻ tại hội nghị, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị của các ngành về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm, nhất là những vấn đề cấp bách, liên quan đến các Bộ liên đới. Đây cũng là cơ sở để Bộ KH&ĐT xây dựng các giải pháp để trình Chính phủ tháo gỡ khó khăn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.