Theo AP, ngày 5/8, thẩm phán Amit Mehta của Tòa án quận Columbia (Mỹ) phán quyết, Google đã vi phạm mục 2 của Đạo luật chống độc quyền Sherman. Theo quy định, doanh nghiệp không được thực hiện hành vi đơn phương độc quyền hoặc hợp tác với bất kỳ ai để độc quyền thị trường trong và ngoài nước.
Thẩm phán Amit Mehta lập luận, sự thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm là bằng chứng về thế độc quyền của công ty. Ông dẫn minh chứng, thời gian qua, Google đã có những hành động để duy trì vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực tìm kiếm như trả cho Apple, Samsung, Mozilla hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web.
Chẳng hạn, chỉ riêng trong năm 2021, Google đã chi 26,3 tỷ USD để đảm bảo công cụ tìm kiếm của mình là lựa chọn mặc định trên thiết bị và trình duyệt web. Với cách thức này, Google dễ dàng chiếm 89,2% thị phần tìm kiếm chung và chiếm 94,9% trên thiết bị di động, nhờ đó công ty được hưởng lợi về cả doanh thu và thu thập dữ liệu.
Theo thẩm phán Amit Mehta, Google nhận được hàng tỷ truy vấn mỗi ngày qua các điểm truy cập mặc định đó. Công ty thu thập khối lượng dữ liệu lớn cho người dùng từ các tìm kiếm như vậy và sau đó sử dụng chúng để cải thiện chất lượng truy vấn.
“Sau khi cân nhắc cẩn thận lời khai và bằng chứng của nhân chứng, tòa án đi đến kết luận sau: Google là một công ty độc quyền và đã hành động như vậy để duy trì thế độc quyền của mình,” AP dẫn phán quyết của thẩm phán Mehta.
Tòa án Mỹ kết luận Google độc quyền thị trường tìm kiếm. |
Phán quyết này sẽ mở đường cho đợt xét xử thứ hai để xác định các giải pháp mà Google cần làm để khắc phục hậu quả. Các giải pháp có thể bao gồm việc chia tách Alphabet - công ty mẹ Google, thành nhiều công ty nhỏ. Giai đoạn khắc phục có thể kéo dài với nhiều khả năng Google sẽ kháng cáo lên tòa án quận Columbia và tòa án tối cao Mỹ. Cuộc chiến pháp lý có thể sẽ kéo dài 1-2 năm, theo Reuters.
Bình luận về phán quyết trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Merrick Garland gọi phán quyết là “chiến thắng lịch sử cho người dân Mỹ” và nói thêm rằng, không có công ty nào dù lớn và có sức ảnh hưởng đến đâu, có thể đứng trên luật pháp.
Phán quyết được đưa ra sau đợt xét xử kéo dài 10 tuần tại thủ đô Washington (Mỹ) bắt nguồn từ vụ kiện năm 2020 do Bộ Tư pháp Mỹ và một số tiểu bang đệ trình.
Về phía Google, đại diện công ty tuyên bố: “Phán quyết thừa nhận Google là công cụ tìm kiếm tốt nhất nhưng kết luận của tòa án cho rằng Google không được phép cung cấp công cụ này một cách dễ dàng cho người dùng”. Đồng thời khẳng định công ty có kế hoạch kháng cáo phán quyết trên.
Google và cuộc đấu chống độc quyền tại Mỹ |
Big Tech chi 95 triệu USD ngăn chặn dự luật chống độc quyền của Mỹ |