Trước đó, AP đưa tin, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã đệ đơn kiện Google thuộc tập đoàn Alphabet với cáo buộc rằng Google đã duy trì trái phép sự thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến bằng cách ký kết hợp đồng độc quyền với các nhà sản xuất thiết bị, nhà khai thác di động và các công ty khác khiến các đối thủ không có cơ hội cạnh tranh.
"Vô số nhà quảng cáo phải trả phí cho Google để xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Người tiêu dùng Mỹ buộc phải chấp nhận các chính sách về quyền riêng tư và việc sử dụng dữ liệu cá nhân của Google và các công ty có mô hình kinh doanh sáng tạo không thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Google", đơn kiện nhằm vào Google nêu rõ.
Các quan chức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nhấn mạnh quy mô và sức mạnh kiểm soát của Google đối với thị trường tìm kiếm và gọi đây là một hành vi độc quyền.
"Hành vi của Google là bất hợp pháp theo các nguyên tắc chống độc quyền truyền thống và phải bị ngăn lại. Google sở hữu hoặc kiểm soát các kênh phân phối tìm kiếm chiếm khoảng 80% các truy vấn tìm kiếm nói chung tại Mỹ. Chúng tôi yêu cầu toà án phải phá bỏ sự kìm kẹp của Google đối với việc phân phối kết quả tìm kiếm để sự cạnh tranh và đổi mới được duy trì", ông Ryan Shores, cố vấn cao cấp về công nghệ của DOJ cho biết.
Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong vụ kiện này là các công cụ tìm kiếm như Bing, DuckDuckGo, vẫn chưa thể giành được thị phần đáng kể.
Chính phủ liên bang Mỹ cho rằng các cuộc điều tra và kiện tụng nhằm vào những tập đoàn công nghệ lớn là để tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các đối thủ nhỏ hơn trước những tên tuổi lớn như Amazon, Facebook và Apple.
Phía Google đã phủ nhận mọi cáo buộc của DOJ đồng thời nhấn mạnh rằng việc Google chiếm thị phần lớn trên thị trường tìm kiếm là do sự lựa chọn và tin tưởng của người dùng. "Mọi người sử dụng Google vì họ lựa chọn chứ không phải họ bị ép buộc hoặc vì họ không tìm được các giải pháp thay thế", đại diện Google nói thêm.
Google cho biết người dùng hoàn toàn có thể chuyển sang các công cụ tìm kiếm khác như Bing của Microsoft hoặc Yahoo Search bất cứ lúc nào họ muốn. Đồng thời hãng nêu rõ, nếu chỉ nhìn vào thị phần tìm kiếm trên Internet để cáo buộc hãng độc quyền thị trường tìm kiếm và làm ảnh hưởng đến việc mua sắm của người dùng là không chính xác.
Google lấy dẫn chứng Amazon khi cho biết gần một nửa số lượt tìm kiếm của người dùng khi mua sắm trực tuyến bắt đầu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, thay vì trên Google. Do vậy không thể khẳng định rằng Google độc quyền và có hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường tìm kiếm.
Theo tờ Wall Street Journal, phiên toà này được xem là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất của Mỹ nhằm chống lại một công ty công nghệ hàng đầu kể từ khi Chính phủ Mỹ xử lý Microsoft hơn 2 thập kỷ trước về sự thống trị của hệ điều hành Windows.
Vụ kiện được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm, trải qua quá trình xét xử, kháng cáo… mới có thể đi đến kết luận cuối cùng và đưa ra mức phạt đối với Google, trong thời gian đó, hầu như không có sự ảnh hưởng nào với quá trình hoạt động của Google cũng như cách người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm này.
Phiên tòa sẽ do Thẩm phán Amit P Mehta chủ trì và quyết định, phán quyết của ông sẽ được đưa ra nhiều tháng sau khoảng ba tháng điều trần. Các chuyên gia cho rằng, rủi ro đối với Google là rất lớn nếu ông Mehta ủng hộ bất kỳ hoặc tất cả các lập luận của Chính phủ Mỹ.
Chuyên gia John Lopatka từ trường Luật bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết: "Kết quả của vụ việc này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến cách các công nghệ và nền tảng hoạt động trong tương lai".
Trước đó, Bloomberg đưa tin, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google, Meta và Amazon đã chi 95 triệu USD cho cuộc vận động hành lang kể từ năm 2021, để chống lại Đạo luật trực tuyến về lựa chọn và đổi mới (AICO) đang được Quốc hội Mỹ đề xuất. Bởi nếu đạo luật này được thông qua có thể giúp chính quyền Mỹ kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các công ty công nghệ lớn.