Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố Thông điệp Liên bang ngày 29/2/2024. Ảnh: TASS |
Trong khuôn khổ bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra tuyên bố về các chủ đề chính xoay quanh chủ quyền của đất nước, mối quan hệ với các quốc gia phương Tây cũng như các vấn đề liên quan tới việc hợp tác kinh tế của khối BRICS.
Cụ thể, hãng thông tấn TASS trích dẫn phát biểu của Tổng thống Putin cho biết: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình". Theo ông, người dân Nga và sự đoàn kết trước mối đe dọa từ bên ngoài chính là những điều đã giúp bảo vệ đất nước. Trong khi đó, chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ các thể chế trên nền tảng chủ quyền quốc gia. Đối với những bên có ý định can dự, ông đưa ra cảnh báo hậu quả sẽ nghiêm trọng và thảm khốc hơn nhiều so với trước đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra một số tuyên bố về quan hệ giữa nước này cùng các quốc gia phương Tây, đồng thời bác bỏ một số cáo buộc được đưa ra gần đây.
Theo ông, các nước phương Tây đang tìm cách mang lại sự bất hòa nội bộ và làm suy yếu nước Nga từ bên trong, nhưng “họ đã tính toán sai lầm”. Thay vào đó, ông khẳng định phương Tây đã vấp phải “lập trường vững chắc và quyết tâm của người dân”
Ông nhấn mạnh: “Những người lính và sĩ quan của chúng tôi, những người theo đạo Cơ đốc và đạo Hồi, những người theo đạo Phật và những người theo đạo Do Thái, đại diện của các sắc tộc, văn hóa và khu vực khác nhau đã chứng minh bằng thực tế, tốt hơn ngàn lời nói, rằng sự gắn kết và thống nhất hàng thế kỷ của người dân Nga là một sức mạnh to lớn, có thể chinh phục tất cả. Sát cánh cùng nhau, họ đang chiến đấu vì Tổ quốc”.
Đối với các cáo buộc cho rằng Nga đang chuẩn bị tấn công châu Âu, Tổng thống Putin nhận định chúng “vô nghĩa”. Ông cũng đồng thời bác bỏ cáo buộc Moscow có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian là “vô căn cứ”.
Ông Putin cho biết: "Gần đây ngày càng có nhiều cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga, cho rằng chúng tôi có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Những câu chuyện bịa đặt này - và tôi khẳng định chúng không là gì hơn những lời bịa đặt - là một âm mưu lôi kéo chúng tôi vào các cuộc đàm phán theo các điều khoản chỉ có lợi cho Mỹ”.
Ngược lại, ông cáo buộc Mỹ mới là bên bỏ mặc các sáng kiến của Nga về việc triển khai vũ khí trong không gian mà nước này đã phát triển từ năm 2008. Ở một diễn biến khác, khi phát biểu về vấn đề đàm phán ổn định chiến lược với Washington, nhà lãnh đạo Nga loại trừ khả năng tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào mà lợi ích an ninh quốc gia của Nga không được cân nhắc.
Ông tuyên bố: "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu muốn thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh và ổn định, Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, việc đàm phán nên được tiến hành trọn vẹn và bao gồm tất cả những khía cạnh có liên quan như lợi ích quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nga”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ nhiều cáo buộc chống lại Nga trong Thông điệp Liên bang ngày 29/2/2024 tại thủ đô Moscow. Ảnh: Reuters |
Đối với vấn đề hợp tác kinh tế cùng các quốc gia trong khối BRICS, Tổng thống Putin bày tỏ tầm nhìn tích cực của ông về triển vọng tăng trưởng của khối trong tương lai.
Nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng các quốc gia mới gia nhập từ đầu năm 2024 như Iran, Ethiopia, Ai Cập và UAE. Saudi Arabia là quốc gia đã được mời và chuẩn bị trở thành thành viên chính thức. Tính tới hiện tại, nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia, trong khi một số quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập.
Theo RT dẫn lời ông, BRICS sẽ vượt qua khối G7 về tỷ trọng trong GDP toàn cầu tính theo PPP. Ước tính do nhà lãnh đạo này cung cấp cho thấy tỷ trọng của BRICS sẽ tăng lên 36,6% vào năm 2028, trong khi tỷ trọng của G7 sẽ giảm xuống 27,8%. Đồng thời, ông cũng cho biết riêng vào năm 2022, các nước BRICS đã vượt qua G7 về GDP tính theo PPP (sức mua tương đương) với tỷ lệ 31,5% so với 30,3%. Trong khi đó vào 10 năm trước, con số này của BRICS chỉ ở mức khoảng 16,5%.
PPP là một thước đo phổ biến nhằm so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ. Theo dữ liệu từ IMF, tỷ trọng của G7 (bao gồm Canada, Pháp, Nhật Bản, Italy, Mỹ, Anh và EU) trong GDP toàn cầu tính theo PPP đã giảm liên tục trong nhiều năm qua. Cụ thể, các con số này giảm từ 50,42% năm 1982 xuống 30,39% vào năm 2022. Tổ chức này dự đoán con số trên sẽ tiếp tục giảm xuống còn 29,44% trong năm 2024.