Báo cáo cập nhật liên quan đến các ngân hàng niêm yết của FiinGroup cho biết, trong quý II/2022, Eximbank được ước tính lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 800 tỷ đồng, tăng 193,4% so với cùng kỳ và tăng 23,6% so với quý I/2022. Lợi nhuận tăng cao chủ yếu do giảm trích lập dự phòng.
Còn tại TPBank, trong quý II này, ngân hàng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 38,9% so với cùng kỳ và tăng 35,4% so với quý I, đạt 1.760 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh cho vay và thu nhập tốt từ phí.
Theo đó, nhóm phân tích cũng nhận định rằng, tiềm năng lợi nhuận quý II khả quan tại các ngân hàng còn dư địa cho vay và có thu nhập tốt từ hoạt động dịch vụ, như TPBank là một điển hình.
Ngoài ra, chỉ số giá chung của ngành ngân hàng đã giảm 16% so với cùng kỳ, đưa định giá P/B của nhiều cổ phiếu ngân hàng về dưới mức trung bình 10 năm. FiinGroup cho rằng những ngân hàng có tiềm năng lợi nhuận tốt trong quý II, định giá tương đương hoặc thấp hơn trung bình 10 năm và giá chưa phản ánh tiềm năng lợi nhuận quý II, ví dụ như ACB, VIB và LienVietPostBank sẽ là các ngân hàng đáng quan tâm.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) của 27 ngân hàng niêm yết trong quý II/2022 sẽ tăng 36% so với năm 2021, tuy nhiên sẽ giảm 9% so với quý I năm nay.
Lợi nhuận kỳ vọng giảm so với quý trước chủ yếu là do tăng trưởng tại quý I khá cao đến từ các đóng góp bởi những khoản thu nhập ngoài lãi bất thường, đáng chú ý là khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền trị giá khoảng hơn 5.000 tỷ đồng của VPBank.
Trong quý II/2022, Yuanta ước tính thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp trong quý vừa qua do hầu hết các ngân hàng đều đã cạn hạn mức tín dụng và đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới “room”.
Bên cạnh đó, thu nhập phí quý II/2022 ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, doanh thu bancassurance có thể thấp do hoạt động cho vay kém sôi động. Ngoài ra, chi phí hoạt động ước tăng khoảng 15%.
Đặc biệt, công ty chứng khoán này dự báo các ngân hàng sẽ được nới hạn mức tín dụng trong quý III/2022, mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không vội “nới” room tín dụng khi kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong quý II.
Trong quý II, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý trước. Các TCTD cho biết trong số các nhân tố khách quan, "Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II và dự kiến cả năm 2022.