Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN |
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Ước tính giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp quý 2/2023 chỉ tăng 1,56% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 giảm 0,75%; quý 2 tăng 1,56%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37% (quý 1 giảm 0,49%; quý 2 tăng 1,18%), đóng góp 0,10 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành khai khoáng giảm 1,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,45%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng lớn nhất đến từ sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%, chủ yếu do mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Kế đó, là mức tăng ngành khai thác quặng kim loại (tăng 11,5%), đây là ngành vẫn giữ mức tăng khá cao trong nửa đầu năm trong 5 năm qua.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP một số ngành chứng kiến mức giảm mạnh, có thể kể đến ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước. Trong đó, Quảng Nam tiếp tục dẫn đầu nhóm giảm với mức giảm 29,9% so với cùng kỳ, kế đó là Sơn La, giảm 29,7%.
Ở chiều ngược lại, tính chung nửa đầu năm 2023, Trà Vinh vượt Bắc Giang và Phú Thọ trở thành địa phương dẫn đầu với mức tăng 22,3%. Mức tăng này chủ yếu đến từ việc chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng 29,4%. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành điện tại Trà Vinh, nhất là trong bối cảnh đang bước vào mùa hè, là cao điểm tiêu thụ điện.
Đặc biệt, hiện Trà Vinh đang phát triển mạnh về điện tái tạo với tổng cộng 9 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có 5 công trình điện gió đã vận hành hòa vào lưới điện quốc gia, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 320 MW.
Dù tiếp tục ghi nhận mức tăng vọt 264,4% về chỉ số sản xuất và phân phối điện, Hậu Giang kỳ này chỉ đứng thứ 5 trong số các địa phương có mức tăng trưởng chỉ số IIP cao nhất cả nước, trượt 2 hạng so với 5 tháng đầu năm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu với mức tăng vọt tiếp tục là đường kính tăng 31,2% và xăng dầu tăng 13,4%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2023 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%.
Mức giảm của chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ cho thấy sự thắt chặt chi tiêu trong nước mà còn phản ánh sự suy giảm mạnh đơn hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Ước tính, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước, dù thời điểm đó cũng ghi nhận mức tăng cao 14,1%. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1% cao hơn 5,1 điểm phần trăm so với mức 78% nửa đầu năm 2022.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,2% so với cùng thời điểm năm trước.