Trái bưởi Việt Nam tìm cơ hội tại các thị trường xuất khẩu lớn

Bưởi Việt nAM
22:56 - 21/09/2022
Trái bưởi Việt Nam tìm cơ hội tại các thị trường xuất khẩu lớn
0:00 / 0:00
0:00
Mỹ, Indonesia và Hong Kong là những thị trường lớn đối với trái cây xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm mặt hàng bưởi. Nhưng bên cạnh những thuận lợi vẫn còn có nhiều khó khăn mà doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu vào đây.

Ngày 21/9, phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm bưởi Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức, có sự tham gia của các thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ, Indonesia và Hong Kong.

Theo trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston Nguyễn Mạnh Quyền, trong năm 2021 Mỹ nhập khẩu 20 tỷ USD nhóm mặt hàng mã HS 08 (bao gồm mặt hàng mã HS 080540 - gồm trái cây ăn được, trái bưởi).

Tuy nhiên, thị phần mã HS 08 của Việt Nam vào Mỹ lại chưa được cao, khi chỉ chiếm khoảng hơn 5% trong năm 2021 (đạt 1,12 tỷ USD). Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng mã HS 08 này đạt 572 triệu USD.

Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ tại Phiên tư vấn.

Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ tại Phiên tư vấn.

Để thâm nhập vào thị trường Mỹ, ông Quyền cho rằng, trước tiên doanh nghiệp phải thông qua hai đầu mối lớn nhất tại Mỹ là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Bởi, trái cây nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải thông qua hướng dẫn của USDA. Còn FDA đóng vai trò giám sát và đánh giá chất lượng thực phẩm, dược phẩm có phù hợp với tiêu chí nhập khẩu vào Mỹ hay không. Chính vì vậy doanh nghiệp phải nắm rõ các quy định của cơ quan này.

Doanh nghiệp cũng nên thông qua các nhà xuất khẩu, các nhà môi giới có kinh nghiệm để kết nối với các hệ thống cung ứng dễ dàng hơn.

Khi xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp phải nắm được tiêu chuẩn về sản phẩm xuất khẩu, trong đó bao gồm sản phẩm về bao bì, đóng gói của các đối tác. Doanh nghiệp cần nắm rõ quy trình xuất nhập khẩu cho từng sản phẩm phẩm cụ thể, kiểm soát được công đoạn, chi phí cho từng công đoạn, lô hàng.

Tại phiên tư vấn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường cho biết, theo thống kê từ phía Indonesia, năm 2021 nước này nhập khẩu khoảng 1,49 tỷ USD mặt hàng hoa quả.

Riêng đối với bưởi, mặt hàng này đặc biệt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng khi người Indonesia rất thích trái cây có vị ngọt và nhiều nước. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ bưởi chưa phổ biến tại Indonesia. Nhưng theo đánh giá từ phía Thương vụ, mứt bưởi, nước ép bưởi, dầu gội đầu bưởi là những sản phẩm chế biến có tiềm năng tại thị trường này.

Mặt hàng bưởi được giao bán trên sàn Bukalapak - một trong 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất của Indonesia.
Mặt hàng bưởi được giao bán trên sàn Bukalapak - một trong 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất của Indonesia.

Khi xuất khẩu sang Indonesia, doanh nghiệp cần lưu ý một số quy định. Bao gồm, các mặt hàng trái cây xuất khẩu sang nước bạn phải được chiếu xạ và kiểm tra chất lượng tại một trong 10 phòng kiểm nghiệm của Việt Nam được Indonesia phê duyệt, cần khai báo trực tuyến trước khi cập cảng.

Đối với các sản phẩm chế biến từ bưởi, sản phẩm phải có chứng nhận Halal. Sản phẩm phải được đăng ký và được phê duyệt bởi Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Indonesia (BPOM) trước khi lưu thông tại thị trường.

Nhãn mác sản phẩm phải có phần bằng tiếng địa phương Bahasa Indonesia, trên nhãn có ghi thành phần dinh dưỡng. Nội dung nhãn hàng hóa bao gồm tên sản phẩm, danh mục thành phần, khối lượng tịnh, trọng lượng tịnh, tên nhà sản xuất, nhập khẩu, logo Halal…

Theo đánh giá từ phía Thương vụ, Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Mỹ, EU, Nhật Bản. Quốc gia này còn nằm trong khu vực Đông Nam Á, có văn hóa Á Đông gần gũi với Việt Nam, khoảng cách địa lý gần gũi giúp giảm chi phí vận chuyển so với các thị trường xa hơn, tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Đây cũng là quốc gia thuộc khối ASEAN, nhờ vậy Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan thông qua các hiệp định chung như RCEP…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, mặt hàng trái cây xuất sang đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Là quốc đảo với 5 đảo lớn, doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này cần nghiên cứu, tính toán để có thể giảm thiểu chi phí nhất.

Indonesia còn là quốc gia có tính bảo hộ rất cao, nhiều hàng rào bảo hộ như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu… Các quy định cảng nhập khẩu đối với một số hàng hóa nhập khẩu cũng làm tăng chi phí logistics, giảm tính cạnh tranh hàng nhập khẩu. Riêng với chứng nhận thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo, Indonesia không chấp nhận chứng nhận từ phía Malaysia, thay vào đó doanh nghiệp phải có chứng nhận do cơ quan của Indonesia cấp.

Để tiếp cận thị trường này sâu rộng hơn, ông Cường cho rằng, doanh nghiệp nên tham gia hội chợ triển lãm lớn về thực phẩm để tìm kiếm đối tác, hoặc thông qua nhà phân phối nội địa để đưa hàng vào siêu thị Indonesia.

Doanh nghiệp cũng có thể thâm nhập thông qua thương mại điện tử. Indonesia được biết đến là quốc gia phát triển thương mại điện tử lớn nhất khu vực với giá trị giao dịch năm 2021 lên tới 25 tỷ USD. Hiện, 5 sàn giao dịch phát triển nhất của Indonesia bao gồm Tokopedia, Shopee, Bukalapak, Lazada và Blibli.

Đối với thị trường Hong Kong, theo bà Vũ Thị Thúy - Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Hong Kong, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là nhà cung cấp bưởi lớn nhất cho thị trường này khi đạt 2,53 triệu USD.

Thị trường Hong Kong được đánh giá là tiềm năng đối với trái bưởi tại thị trường này, không chỉ được dùng cho tráng miệng mà còn được sử dụng làm các món ăn như salad, chè... và được sử dụng trong các dịp lễ, cúng tế.

Hong Kong cũng là thị trường nhập khẩu hoàn toàn thực phẩm và là khu vực trung chuyển quốc tế nên nền ẩm thực của Hong Kong rất phong phú.

Tuy nhiên, chính bởi sự phong phú này mà đã góp phần tạo nên văn hóa "sành ăn" của người Hong Kong. Thị trường này có yêu cầu rất cao đối với các loại thực phẩm nhập khẩu, bao gồm cả vấn đề vệ sinh an toàn. Hong Kong hiện sở hữu hệ thống giám sát quản lý vệ sinh thực phẩm quy mô lớn.

Khi xuất khẩu sang Hong Kong, doanh nghiệp cần lưu ý khai báo nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa. Bởi thị trường này đang áp dụng việc cấp phép bắt buộc đối với một số mặt hàng nhằm bảo vệ môi trường hoặc thực hiện cam kết với các đối tác.

Ngoài ra doanh nghiệp còn phải chú đến vấn đề bao bì sản phẩm. Do phần lớn người tiêu dùng Hong Kong không biết ngoại ngữ cho nên doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này được khuyến nghị sử dụng chữ địa phương Hong Kong trên các bao bì.

Xuất khẩu sang Hong Kong có quy mô nhỏ nên ban đầu lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ không thể lớn như EU, Hoa Kỳ hay Trung Quốc nội địa… Bù lại thị trường này có tính lâu dài do có đặc điểm là phân khúc thị trường cao cấp. Nếu đáp ứng được các yêu cầu của Hong Kong thì nhà nhập khẩu có thể an tâm xuất khẩu trong thời gian dài.

Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm bưởi Việt Nam là phiên tư vấn cuối cùng trong chuỗi 30 phiên tư vấn do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ tổ chức từ đầu năm đến nay, nhằm cung cấp thông tin thị trường nước ngoài đến các doanh nghiệp.

Ảnh tác giả

"Đây là phiên tư vấn cuối cùng trong tổng số 30 phiên tư vấn cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các lĩnh vực từ nông sản, thực phẩm tới sản phẩm đồ gỗ, trang trí... Chúng tôi hy vọng chuỗi 30 phiên tư vấn đã góp phần cập nhật thông tin thị trường đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt thị trường tốt hơn để đưa sản phẩm ra các thị trường nước ngoài".

Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) Nguyễn Thị Thu Thủy

Đọc tiếp