Trăm năm ‘giữ lửa’ làng nghề tiện gỗ Nhị Khê

Trăm năm ‘giữ lửa’ làng nghề tiện gỗ Nhị Khê

Làng nghề Nhị Khê
09:51 - 09/02/2024
Nghề tiện gỗ tại xã Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Nội) tồn tại cả trăm năm qua, minh chứng cho sức sống của những làng nghề truyền thống.

Chúng tôi ghé thăm làng gỗ xã Nhị Khê vào một buổi chiều cuối năm, mùi gỗ thoang thoảng và không khí tất bật chạy hàng dịp Tết. Những chiếc máy tiện, máy cưa và những đôi bàn tay khéo léo đang hối hả khắp đầu làng ngõ xóm.

Một góc làng nghề Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Một góc làng nghề Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Tại ngôi làng nổi danh cả nước với nghề tiện gỗ lịch sử hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân, thợ lành nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, trở thành hàng hóa có giá trị nghệ thuật, kinh tế cao được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cạnh ngôi nhà thờ Danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi, suốt hơn 30 năm qua, ngày ngày gia đình anh Nguyễn Toàn vẫn miệt mài tạo ra những chuỗi hạt vòng được làm từ gỗ quý, lưu giữ nghề truyền thống của gia đình.

"Đồ tiện ở Nhị Khê trước kia có hai chủng hàng chính làm từ gỗ là đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ cúng gồm có ống hương, lọ hoa, giá nến, đế kê bát hương,... Đồ gia dụng thì có giỏ đựng ấm tích, lọ đựng chè, tượng trang trí, tranh, mành hạt gỗ, chiếu gỗ,… Nhưng hiện nay, nhiều hộ gia đình đang sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng hơn, phục vụ cho nhu cầu sử dụng khác nhau", anh Toàn kể.

Từng công đoạn tiện gỗ của anh Toàn.

Từng công đoạn tiện gỗ của anh Toàn.

Từ khi lấy chồng là hơn 20 năm trước, chị Thuỷ - vợ anh Toàn cũng theo chồng làm nghề tiện gỗ. Cửa hàng gia đình anh chủ yếu trưng bày đủ các loại tràng hạt với các mẫu mã, hình dạng tròn, hình chữ nhậT...do chính tay vợ chồng anh lựa gỗ, tiện máy và tạo hình. Đối với gia đình anh, Tết đến là dịp bận nhất trong năm vì số lượng đặt hàng và để bán nhiều hơn hẳn, đặc biệt là khi mọi người đi lễ chùa.

Không rõ bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng thời “cha truyền con nối” từ đời ông nội, dù nhiều người trong làng dần chuyển sang công việc khác nhưng gia đình anh Toàn vẫn gắn bó với công việc tiện gỗ, cố gắng lưu giữ nghề gia truyền.

Chia sẻ về nghề làm tiện gỗ thành tràng hạt theo cả đời mình, anh Toàn nói: "Từ xưa, rất nhiều người trong làng đã theo nghề này, đủ các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, khuôn bánh, mộc bản, bàn ghế... Mỗi người khi học nghề sẽ bén duyên và thấy rằng mình giỏi cái gì nhất để theo, một trong những cái bản thân tôi thấy phù hợp là làm chuỗi tràng hạt như bây giờ".

Nói về công đoạn làm ra một chiếc tràng hạt, chị Thuỷ cho biết, gỗ thường dùng là gỗ thị già và gỗ xà cừ vì hai loại gỗ này dễ gia công, có độ dẻo, độ rắn, độ bền phù hợp với việc chạm khắc. Sau đó, chồng chị sẽ dùng máy cắt gỗ thành những khúc nhỏ và chị là người làm công đoạn cuối cùng chính là mài nhỏ thành từng hạt vòng tròn.

"Khó nhất là công đoạn đục, từng khâu cần sự tỉ mỉ và độ chính xác cao của người làm, bởi nếu đục không chuẩn sẽ làm mất vân gỗ, mà giá thành của sản phẩm được dựa trên những chiếc hoa văn gỗ này", chị Thuỷ nói.

Theo thời gian, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người thợ Nhị Khê đã cải tiến, sáng tạo ngày càng nhiều sản phẩm mới được làm từ gỗ mít, gỗ de, lim, gụ, trắc, pơmu, bách xanh,… và áp dụng công nghệ từ máy CNC để đục, khắc gỗ phục vụ cho việc sản xuất.

Tại xưởng chuyên sản xuất khay bánh kẹo Tết được làm từ các loại gỗ quý, chị Vũ Thị Thu cho hay, nếu như trước kia, toàn bộ công đoạn làm nghề của địa phương đều phải làm bằng tay, mất rất nhiều thời gian thì nay một số công đoạn đã được máy móc hỗ trợ để tinh giản các bước, giúp làm được nhiều sản phẩm hơn trong một ngày.

Xưởng gỗ nhà chị Thu có 10 thợ chính, nhưng dịp Tết đến, lượng đặt hàng nhiều, chị đã phải thuê thêm thợ ngoài để tăng công suất, thậm chí luôn luôn phải làm việc đến khi ngoài trời đã tối muộn.

Theo chị Thu, khi cầm những sản phẩm gỗ tiện nhẵn bóng, đủ hình thù, kiểu dáng tinh xảo ai cũng trầm trồ, song ít người thấu được sự vất vả của người thợ. Thường ngày, người làm nghề tất bật trong xưởng hơn 10 tiếng đồng hồ, nếu say nghề thì quên cả thời gian.

Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển của công nghệ, gánh nặng của những người thợ tiện đã vơi đi được phần nhiều. Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, chị Thu kể: "Hơn 19 năm trong nghề, tôi vẫn luôn nhớ, ba tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất khi phải làm các đơn đặt hàng cho dịp Tết Nguyên đán".

"Trước kia, trung bình một mùa nhà tôi làm được khoảng hơn 1.000 khay đựng bánh kẹo bằng gỗ, nhưng bây giờ nhờ công nghệ phát triển nên sau khi trang bị mua máy móc hiện đại như máy cưa, máy tiện gỗ, máy dập hạt... năng suất lao động đã tăng gấp nhiều lần. Vì thế, hiệu quả kinh tế của gia đình cũng tốt hơn", người thợ tiện gỗ tại xã Nhị Khê chia sẻ.

Một điểm thú vị tại làng gỗ Nhị Khê là mỗi hộ chỉ sản xuất chuyên một vài mặt hàng, ít trùng nhau. Chính vì vậy, sản phẩm được làm ra luôn chau chuốt, kỹ lưỡng tinh xảo và ít cạnh tranh. Nhờ đó, mỗi gia đình đều có kinh nghiệm, kiến thức riêng truyền lại cho con cháu theo nghề.

Với thâm niên hơn 50 năm theo gia đình làm nghề mộc, bà Nguyễn Thị Quý (65 tuổi) tự hào kể lại: "Hồi bé tôi được thấy ông nội và bố ngày ngày lấy gỗ về rồi chặt nhỏ ra, sau đó mài dũa dần dần thành những món đồ có ý nghĩa. Khi ấy tôi đã thấy rất thú vị".

Gia đình bà Quý – sản xuất lồng chim.

Gia đình bà Quý – sản xuất lồng chim.

"Lý do tôi yêu thích nghề tiện gỗ này bởi quá trình tạo ra nó, từ khi chỉ là một thân cây gỗ vô tri cho đến khi tạo thành sản phẩm, người thợ mộc như chúng tôi giống như thổi hồn vào từng sản phẩm", bà Quy kể đó cũng chính là lý do bà truyền lại nghề cho con gái và con rể, rồi lại kể cho cháu trai nghe về công việc mà bà yêu thích và gắn bó cả đời. Cứ thế, người người bảo nhau truyền lửa cho lớp trẻ giữ nghề đến nay.

Là hộ chuyên sản xuất những chiếc lồng chim làm bằng gỗ, bà Quý cùng hai người con trai và con dâu vẫn ngày ngày miệt mài với từng công đoạn để tạo ra một chiếc lồng hoàn chỉnh, với các kích thước khác nhau tuỳ theo đơn đặt hàng và nhu cầu của khách hàng.

Hiện nay, nhà thờ tổ nghề gỗ của xã Nhị Khê vẫn đang được người trong làng nghề bảo tồn, trong đó có nhiều bức đại tự, hoành phi với nội dung giáo dục con cháu giữ gìn tổ nghiệp, đúng như câu ca dao nổi tiếng tại địa phương: “Bao giờ Thường Tín hết cây/Sông Tô cạn nước Nhị Khê bỏ nghề”.

Vào năm 2001, Nhị Khê đã vinh dự đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống. Đây là niềm vui chung, khích lệ các thế hệ người dân tiếp tục phát triển nghề, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt giá trị cao hơn.

Vì vậy, dù trải qua biết bao thăng trầm, gian nan, không ít lần gặp khó khăn muốn bỏ cuộc, nhưng những người dân Nhị Khê như anh Toàn, bà Quý vẫn nói về những đam mê với nghề, nói về tâm nguyện của họ trong việc gìn giữ, phát huy tốt nghề truyền thống cha ông truyền lại.

Đọc tiếp