Làn sóng sa thải ngành công nghệ bước vào giai đoạn mới

LAO ĐỘNG CÔNG NGHỆ
17:09 - 01/02/2024
Làn sóng sa thải ngành công nghệ bước vào giai đoạn mới
0:00 / 0:00
0:00
Loạt công ty công nghệ lớn như Amazon, Google, Microsoft đã tiến hành một đợt sa thải mới ngay trong tháng 1/2024 và bước vào một giai đoạn khốc liệt hơn.

New York Times dẫn báo cáo mới đây của Layoffs.fyi cho thấy, trong tháng 1/2024, có khoảng 25.000 nhân viên tại 100 công ty công nghệ đã bị mất việc.

Ví dụ như Google, trong thông báo ngày 11/1, công ty cắt giảm hơn 1.000 lao động ở bộ phận kỹ thuật lõi, sản phẩm điều khiển bằng giọng nói Google Assistant và một số dự án liên quan đến tương tác thực tế ảo. Nhiều bộ phận khác của Google cũng đang trong quá trình tái cơ cấu từ nửa cuối năm 2023.

Hay như Amazon cũng tiến hành sa thải hàng trăm nhân viên của dịch vụ phát trực tuyến Twitch, Prime Video và MGM Studios ngay trong tháng này. Tiếp tục đến cái tên Discord trong ngành công nghiệp game tuyên bố sa thải 17% nhân viên, tương đương 170 lao động và nhà cung cấp phần mềm trò chơi điện tử Unity Software cắt giảm 25% nhân sự.

Giới chuyên gia trong ngành nhận định, động thái sa thải lao động gần đây tại Google và Amazon báo hiệu làn sóng sa thải ngành công nghệ bước vào giai đoạn mới. Các công ty công nghệ sẽ tiếp tục cắt giảm nhiều việc làm trong năm 2024 để tập trung đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

"Các công ty công nghệ đang trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo sẽ sa thải nhân sự để bù đắp cho hàng tỷ USD đầu tư cho công nghệ", nhà phân tích Gil Luria của D.A Davidson&Co cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Beatriz Valle, chuyên gia tại GlobalData nói: "Trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy sự năng động nhưng điều này cũng có nghĩa là các công ty công nghệ sẽ thay đổi ưu tiên tuyển dụng".

Nếu như vài năm trước, Thung lũng Silicon Valley (Mỹ) gần như "miễn dịch" với làn sóng sa thải thì nay điều đó đã không còn nữa. Giám đốc điều hành của nhiều công ty thừa nhận rằng họ đã tuyển dụng quá mức.

Sa thải diễn ra nhiều năm sau khi nền kinh tế toàn cầu bùng nổ và lãi suất gần như bằng 0, giúp các doanh nghiệp công nghệ thu hút nhân tài hàng đầu trong đại dịch. Nhiều công ty đã thuê hàng chục nghìn nhân sự mới trong thời gian đó để theo kịp nhu cầu kỹ thuật số.

Cho đến khi các lệnh phong tỏa Covid-19 được dỡ bỏ, người dùng quay lại nhịp sống cũ, việc sử dụng các sản phẩm công nghệ cũng giảm đáng kể. Chính vì vậy, các công ty đã phải thực hiện cắt giảm chi phí đối với các bộ phận, lĩnh vực mà họ có kế hoạch đầu tư ít hơn hoặc một số loại công việc không còn cần thiết nữa. Thậm chí ngay cả những công ty quy mô nhỏ, công ty khởi nghiệp trước đây có thể dễ dàng huy động vốn thì giờ đây cũng phải thực hiện các đợt sa thải nhân sự để duy trì hoạt động.

Theo đài NPR của Mỹ, một số công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ đang cạn kiệt quỹ tiền mặt và đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn. Điều này khiến họ cắt giảm nhân sự.

Đối với các công ty lớn đang niêm yết trên thị trường, xu hướng sa thải đầu năm 2024 nhằm mục đích làm hài lòng nhà đầu tư. Giáo sư Jeff Shulman tại Đại học Washington (Mỹ) cho rằng: "Việc sa thải giúp giá cổ phiếu tăng cao, vì vậy các công ty này không thấy có lý do để dừng lại. Chuyện này đã trở thành bình thường mới. Người lao động đã quen, các nhà đầu tư chứng khoán đánh giá cao, vì vậy tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy chuyện này diễn ra trong một thời gian nữa".

Còn giáo sư Jeffrey Pfeffer của Đại học Standford gọi hiện tượng các công ty trong một ngành đồng loạt sa thải nhân viên là "sự sa thải bắt chước". Ông giải thích: "Việc sa thải nhân viên trong ngành công nghệ về cơ bản là một ví dụ về sự lây lan xã hội, trong đó các công ty bắt chước những gì người khác đang làm".

Giáo sư Pfeffer nói rằng khi một công ty công nghệ lớn cắt giảm nhân sự, hội đồng quản trị của một công ty cạnh tranh có thể bắt đầu đặt câu hỏi tại sao các giám đốc điều hành của họ không làm như vậy.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu lao động về đích sớm năm 2023

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, hoàn thành sớm trước 3 tháng kế hoạch đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023.