Đề xuất tiếp tục tăng lương sau năm 2024 để bù trượt giá

TIỀN LƯƠNG CHÍNH PHỦ
15:01 - 10/10/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đề xuất sau năm 2024 tiếp tục tăng lương bù trượt giá, góp phần cải thiện lương cán bộ, công chức, viên chức theo mức tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực nội vụ.

Báo cáo nêu, thực hiện Nghị quyết 27 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Kết luận số 20 năm 2022 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Nghị quyết 101 năm 2023 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Trung ương Đảng, Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong đó, Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương với 6 nội dung, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024. Cụ thể: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Sau năm 2024, Chính phủ đề xuất tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP, cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất trong 4 vùng lương tối thiểu). Hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng.

“Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể”, báo cáo nêu.

Chính phủ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27.

Xây dựng chế độ phụ cấp nhà giáo

Báo cáo cũng cho biết, giáo viên mầm non, tiểu học được hưởng lương và phụ cấp theo địa bàn hoặc công việc đảm nhiệm; phụ cấp ưu đãi nhà giáo, thâm niên nghề (dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội).

Nhà giáo ở nơi điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng thêm các phụ cấp thu hút, ưu đãi theo nghề (70%), công tác lâu năm vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp, phụ cấp lưu động, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Dù được hưởng nhiều phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập cao hơn ngành nghề khác nhưng đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học còn nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính đề xuất xây dựng chế độ phụ cấp nhà giáo đang giảng dạy trong trường công lập.

Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên 2 năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, việc cải cách đồng bộ chính sách tiền lương chưa được thực hiện.

Giữa tháng 9/2023, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Quốc hội về lộ trình và phương án cải cách tiền lương. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII diễn ra trong tuần trước cũng đã bàn về lộ trình cải cách tiền lương.

Báo cáo của các bộ, ngành tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 vừa qua cho thấy, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong ba năm tới (2024-2026).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu lao động về đích sớm năm 2023

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, hoàn thành sớm trước 3 tháng kế hoạch đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023.