Nhân lực cho điện gió ngoài khơi: Cần "bắt tay' giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo

LAO ĐỘNG ĐIỆN GIÓ
13:21 - 31/03/2024
Hội thảo Cơ hội nghề nghiệp ngành điện gió ngoài khơi. Ảnh: SEEE
Hội thảo Cơ hội nghề nghiệp ngành điện gió ngoài khơi. Ảnh: SEEE
0:00 / 0:00
0:00
Với quy mô công suất lắp đặt lên tới 91,5 GW vào năm 2050, ngành điện gió ngoài khơi (ĐGNK) có vai trò đảm bảo an ninh năng lượng và tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam.

Điện gió ngoài khơi có thể tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (PDP8), Việt Nam có kế hoạch phát triển công suất ĐGNK đến năm 2030 lên 6GW, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất 70 - 91,5 GW. Để đạt được mục tiêu này, các nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cao, đặc biệt trong những dự án ĐGNK quy mô lớn.

Tại Hội thảo về Cơ hội nghề nghiệp trong ngành ĐGNK do Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) phối hợp với Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức ngày 28/3, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, 96 dự án điện gió đã được phê duyệt trong PDP8 đến năm 2050 sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm.

Theo ông Toán, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như GE, CSWind, Vietsovpetro, PTSC, Alpha ECC, Công ty Xây lắp Dầu khí Petrovietnam, Công ty Chế tạo dàn khoan dầu khí, Công ty An Việt Long, Công ty Helukabel… đã có năng lực tham gia vào một số công đoạn chính xây dựng công trình ĐGNK.

Các công việc có thể thực hiện từ khâu phát triển dự án cho đến cung cấp hộp vỏ, trục cánh quạt và lắp ráp, vật liệu cho sản xuất cánh quạt, cột tháp, chế tạo chân đế móng, lắp đặt chân đế móng, cung cấp trạm biến áp ngoài khơi, lắp đặt cáp liên kết hệ thống và cáp xuất điện, vận hành, kết thúc hoạt động.

Từ đó, Báo cáo Lộ trình ĐGNK năm 2020, Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã đưa ra tỷ lệ % nội địa hóa nhân lực Việt Nam có thể tham gia.

Một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) năm 2018 ước tính một trang trại gió công suất 500MW lắp đặt giai đoạn 2023 – 2025 tạo ra khoảng 2,1 triệu đơn vị ngày công (tương đương khoảng 10.000 FTE, trong đó một FTE được tính là một nhân sự làm việc toàn thời gian trong vòng một năm). Tổng giá trị gia tăng GVA được tạo bởi một dự án này đạt đỉnh vào năm 2022, khoảng 740 triệu USD. Tổng GVA trên toàn bộ tuổi thọ của dự án là 2,4 tỷ USD.

FTE hàng năm của Việt Nam do tất cả các dự án tạo ra đạt khoảng 45.000 trong những năm 2030, và từ năm 2020 - 2035 đạt khoảng 420.000, bằng một nửa tổng việc làm được tạo ra trên toàn cầu. GVA hàng năm đạt 3,5 tỷ USD trong những năm 2030 và từ năm 2020 - 2035 có 30 tỷ USD GVA được tạo ra, chiếm khoảng 1/2 tổng GVA được tạo ra trên toàn cầu.

Ông Toán nhận định, khi xây dựng lộ trình phát triển cụ thể riêng cho ĐGNK với kịch bản tốt sẽ cần đến nguồn vốn đầu tư rất lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng. Đồng thời cũng cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở đa ngành, đa lĩnh vực để có thể đảm đương được khối lượng công việc lớn như đã đề cập ở trên.

Đại diện cho một trong những nhà phát triển điện gió lớn nhất Đan Mạch đã và đang phát triển nhiều trang trại ĐGNK tại nhiều nước trên thế giới, ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc sử dụng lao động phục vụ cho các dự án của tập đoàn trong tương lai. Ông lấy ví dụ về dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khi được xây dựng hết công suất 3,5GW sẽ cần sự tham gia của 45.000 FTE.

“Trong suốt vòng đời của một trang trại ĐGNK (khoảng 30 năm và hơn thế), một số vị trí công việc sẽ đồng hành cùng dự án trong cả 3 giai đoạn chính là phát triển, thi công và vận hành. Một số vị trí khác sẽ chỉ cần tham gia trong 1 hoặc 2 giai đoạn của dự án.

Trong đó, giai đoạn thi công có nhu cầu sử dụng nhân lực cao nhất (chiếm 49% tổng số việc làm được tạo ra trong suốt vòng đời dự án), tiếp theo là giai đoạn vận hành và bảo trì (35%), cuối cùng là giai đoạn phát triển (10%) và tháo dỡ (6%)”, TGĐ dự án ĐGNK La Gàn giải thích.

Ông Livesey cũng cho biết, trong số các vị trí công việc tại một trang trại ĐGNK, có những công việc hoàn toàn mới và chưa từng xuất hiện tại Việt Nam như vị trí phụ trách đánh giá sản lượng gió, chế tạo móng monopile, lắp đặt tuabin ngoài biển, kiểm tra và bảo trì cánh tuabin ngoài biển, vận hành và bảo trì tuabin gió ngoài khơi…

Nhân sự Việt có nhiều tiềm năng và thế mạnh để gia nhập ngành ĐGNK

Mặc dù là ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam, nhiều vị trí kỹ thuật trong ngành ĐGNK có thể được đảm nhiệm bởi những nhân sự đang làm việc tại các ngành khác có môi trường làm việc, cách thức triển khai, tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng, an toàn tương đồng như ngành dầu khí, xây dựng công trình biển, nhà máy điện, điện gió gần bờ và điện gió trên bờ, hàng hải…

Cần lưu ý rằng nhân sự đang làm việc trong những lĩnh vực nêu trên sẽ có lợi thế, nhưng không phải là yêu cầu bắt buộc để gia nhập ngành ĐGNK.

Bên cạnh đó, nhân sự đảm nhiệm các vị trí hành chính hoặc hỗ trợ dự án có thể đến từ nhiều ngành khác nhau nếu sở hữu bằng cấp, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng mềm phù hợp. Những ứng viên mới tốt nghiệp hoặc chưa nhiều kinh nghiệm liên quan cũng có thể bắt đầu sự nghiệp trong ngành ĐGNK với các vị trí học nghề, thực tập và chương trình quản trị viên tập sự.

Khi những dự án được triển khai, nhân sự Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành ĐGNK, đồng thời thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục phục vụ dự án ĐGNK trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong tương lai.

Đại diện Tập đoàn CIP mong muốn nhân sự Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành ĐGNK. Ảnh: Ngọc Linh

Đại diện Tập đoàn CIP mong muốn nhân sự Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành ĐGNK. Ảnh: Ngọc Linh

Tại hội thảo, ông Stuart Livesey đã giới thiệu ấn phẩm “Nguồn nhân lực ngành ĐGNK” do Tập đoàn CIP biên soạn, được xuất bản bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Ấn phẩm cung cấp thông tin tổng quan về nhu cầu nhân sự phục vụ xuyên suốt các giai đoạn của một trang trại ĐGNK, danh sách các công việc điển hình và mô tả công việc chi tiết của trên 70 vị trí khác nhau.

Ấn phẩm chỉ ra những kỹ năng, bằng cấp, chứng chỉ cần thiết, cũng như những chương trình đào tạo hiện có trong nước có thể hỗ trợ nhân sự Việt gia nhập ngành ĐGNK.

Ấn phẩm này cũng có thể trở thành tài liệu tham khảo hỗ trợ các cơ quan chức năng, các bộ, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp, kịp thời hỗ trợ ngành công nghiệp ĐGNK của Việt Nam ngày càng phát triển.

Doanh nghiệp đặt hàng - Nhà trường cung cấp nguồn nhân lực phù hợp

Trong các dự án ĐGNK, những vị trí công việc khác nhau sẽ yêu cầu nhân sự hoàn thành những chứng chỉ đào tạo khác nhau.

Hiện tại ở Việt Nam, một số chuyên ngành đào tạo dài hạn có thể hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi như Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí Xây dựng Công trình biển, Dầu khí, Kỹ thuật xây dựng, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý hàng hải, Quản lý năng lượng, Điều khiển tàu biển, Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật môi trường, Khí tượng thủy văn, Khí động học...

Những chuyên ngành này được đào tạo tại một số trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Điện lực, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Hàng Hải…

Ngoài ra, một số chương trình đào tạo ngắn hạn bao gồm kỹ thuật cơ bản ngành ĐGNK, kỹ thuật an toàn cơ bản, sơ cứu nâng cao, cứu hộ nâng cao cũng cung cấp những kỹ năng cần thiết cho một số công việc mang tính chất kỹ thuật tại các dự án ĐGNK.

Đại diện PTSC M&C trình bày nhu cầu về nguồn nhân lực của công ty. Ảnh: Ngọc Linh

Đại diện PTSC M&C trình bày nhu cầu về nguồn nhân lực của công ty. Ảnh: Ngọc Linh

Đại diện Công ty PTSC M&C cho biết, sắp tới doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn lên tới 200 - 300 kỹ sư, 6.000 - 7.000 lao động trực tiếp thuộc các chuyên ngành khác nhau trong rất nhiều lĩnh vực nhằm đáp ứng các đơn hàng của đối tác cũng như các dự án tiềm năng công ty sẽ triển khai trong tương lai.

Nếu doanh nghiệp không có sự hợp tác chặt chẽ, gửi "đơn đặt hàng" tuyển dụng tới các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo thì sẽ vô cùng khó khăn đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trao đổi với Mekong ASEAN bên lề hội thảo, ông Stuart Livesey cho biết, Tập đoàn CIP rất quan tâm đến việc hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường học. Thông qua trao đổi kiến thức chuyên môn với các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế, giảng viên của các trường đại học có cơ hội tiếp cận những kiến thức và công nghệ mới nhất trong ngành ĐGNK.

Việc hợp tác này cũng góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên. Theo đó, các trường sẽ nắm bắt được yêu cầu thực tế của nhà tuyển dụng để cập nhật chương trình giảng dạy phù hợp.

Và cốt lõi của việc hợp tác chính là chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các dự án ĐGNK của Việt Nam trong những năm tới.

PGS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: SEEE

PGS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ảnh: SEEE

Chia sẻ cùng Mekong ASEAN, PGS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, quá trình đào tạo nhân lực rất cần có sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu tiên, Trường Điện – Điện tử và Tập đoàn CIP sẽ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, nhà trường sẽ kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung vào chương trình đào tạo sát thực tế, đáp ứng được yêu cầu về trình độ, tiêu chuẩn nghề nghiệp và kỹ năng cho sinh viên.

Theo ông Huy, không chỉ ĐGNK mà tất cả các ngành, lĩnh vực mới đa ngành hiện nay đều đòi hỏi sự tham gia của nhiều đơn vị. “Nhà trường luôn cố gắng đa dạng hóa các chương trình đào tạo, cập nhật các nội dung kiến thức mới, đồng thời chú trọng công tác thực tập cho sinh viên, giúp các em tiếp cận các doanh nghiệp để sớm nắm bắt được thực tế công việc”, ông Huy chia sẻ thêm.

Sớm khởi tạo ngành ĐGNK góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050

Các dự án ĐGNK mang đến nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội thông qua cơ hội việc làm cho nhân sự Việt Nam và sự phát triển của chuỗi cung ứng nội địa.

Trong giai đoạn khởi tạo ngành ĐGNK, những chính sách rõ ràng, mang tính khuyến khích sẽ giúp các nhà đầu tư có đủ sự tự tin và an tâm cần thiết để đưa ra các cam kết lâu dài và quyết định những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD. Các nhà thầu có thể chủ động kế hoạch sản xuất và tuyển dụng nhân sự, các đơn vị đào tạo cũng có thể chủ động cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu đầu ra của ngành.

Theo ông Stuart Livesey, một dự án ĐGNK từ giai đoạn cấp phép khảo sát đến giai đoạn vận hành thương mại thường kéo dài tối thiểu 6 năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu 6GW ĐGNK vào năm 2030, góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 của Việt Nam, cần sớm ban hành cơ chế thí điểm phát triển ĐGNK trong năm 2024, song song với việc từng bước hoàn thiện các chính sách và quy định liên quan”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu lao động về đích sớm năm 2023

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, hoàn thành sớm trước 3 tháng kế hoạch đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023.