Ngày 26/11, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực năng lượng & cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ các quy định pháp luật mới về PPP tại Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức dưới phối hợp của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC).
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho biết, các dự án PPP thường có giá trị lớn, thời gian thực hiện và vận hành dài nên cần phải có cơ chế để đảm bảo sự an toàn, bền vững của dự án. Nên việc xử lý hài hòa lợi ích của các bên, sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro có thể dẫn tới tranh chấp là điều rất quan trọng.
"Các tranh chấp trong dự án PPP không chỉ giới hạn với các thủ tục hành chính, thương mại mà còn ở các hoạt động có sự tham gia của nhiều bên, với các nhà đầu tư nước ngoài nên có thể leo thang thành những tranh chấp về đầu tư. Theo thông tin chúng tôi nhận được, hiện đã có tranh chấp mà phía Việt Nam là bị đơn”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.
Hội thảo Phòng ngừa & giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án hợp tác công tư (PPP) |
Rủi ro tranh chấp có thể đến từ đâu?
Ông Giang Doan, chuyên gia về PPP của USAID cho biết, tranh chấp có thể phát sinh từ thỏa thuận PPP giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan Nhà nước ký kết hợp đồng; tranh chấp về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận cho vay hoặc từ các hợp đồng với các nhà thầu phụ và các bên cung ứng…
"Hơn nữa, các tranh chấp thường phát sinh trong vòng 10 năm đầu tiên sau khi đạt được thỏa thuận tài chính", ông Giang Doan nói.
Theo ông Giang Doan, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp thường là do chậm trễ trong triển khai, vượt chi phí xây dựng, các mâu thuẫn liên quan đến cơ chế thanh toán, vấn đề liên quan đến giải tỏa và đền bù đất, các vấn đề về giấy phép hoặc khi thay đổi phạm vi hợp đồng…
Bàn về các nguyên nhân phổ biến thường gây ra tranh chấp trong các dự án PPP, luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty luật Vietthink, Trọng tài viên VIAC cho rằng rủi ro tranh chấp có thể đến từ chính bản thân dự án, từ chính doanh nghiệp trong quá trình phát triển, vận hành và điều phối dự án.
Nhóm rủi ro thứ hai mà ông Vinh liệt kê có thể đến từ chính sách như rủi ro về pháp luật, nảy sinh từ phía các cơ quan có thẩm quyền hoặc các vấn đề về kinh tế tài chính từ các bên liên quan như ngân hàng và các nguyên nhân bất khả kháng khác.
"Vướng mắc đầu tiên các nhà đầu tư có thể gặp phải trong các dự án PPP lĩnh vực năng lượng và hạ tầng là các vấn đề về đất đai, mặt bằng", ông Vinh nhận định: Trong thực tiễn hiện nay, khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất, tái định cư vẫn đang tồn tại một số “nút thắt” về thể chế pháp luật.
Đặc biệt, những dự án hạ tầng giao thông thường trải dài qua nhiều tỉnh thành nên phạm vi, diện tích đền bù, giải phóng mặt bằng rất lớn. Trong các dự án PPP hạ tầng giao thông có sự tham gia của vốn Nhà nước, khoản đền bù sẽ được giải ngân từ ngân sách Nhà nước nhưng thường bị chậm.
Theo ông Vinh, ngoài ra, mỗi tỉnh thành sẽ có các ban đền bù giải phóng mặt bằng với các quy định và chính sách không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau, có thể dẫn đến hiện tượng dự án bị cắt khúc do có nơi giải phóng mặt bằng nhanh, có nơi thì chậm kéo theo tiến độ toàn dự án bị chậm lại.
"Ngoài nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, phần vốn đầu tư công của Nhà nước cũng có thể xuất hiện nút thắt trong khâu thủ tục. Mà phần vốn này thường được bố trí cho việc giải phóng mặt bằng, nên nếu khâu này bị tắc nghẽn sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ dự án bị chậm lại"
Tiếp theo là vướng mắc trong khâu huy động vốn đầu tư. Phần lớn các nhà đầu tư PPP trong nước hiện nay đều phải trông chờ vào nguồn vốn tín dụng. Các ngân hàng khi cấp vốn đặt ra những điều kiện mà ông Vinh gọi là "rất hà khắc" về lãi suất, về thời hạn.
Ông Vinh cho biết, theo quy định cấp vốn từ ngân hàng, hạn thu hồi vốn sẽ rơi vào khoảng 20 năm trong khi các dự án có thể kéo dài từ 35-40 năm. Khi thời hạn thu hồi vốn ngắn sẽ dẫn đến phân bổ gốc lãi hàng năm mà dự án phải trả rất lớn. Nếu như doanh thu không đạt được như trong kế hoạch tài chính, sẽ gây ra áp lực cho các chủ đầu tư.
"Ngoài nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, phần vốn đầu tư công của Nhà nước cũng có thể xuất hiện nút thắt trong khâu thủ tục. Mà phần vốn này thường được bố trí cho việc giải phóng mặt bằng, nên nếu khâu này bị tắc nghẽn sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ dự án bị chậm lại", ông Vinh nói.
Vướng mắc thứ ba là vướng mắc trong khâu triển khai xây dựng, bao gồm công tác về phê duyệt quy hoạch, thiết kế; thời điểm triển khai và tiến độ xây dựng; nhập khẩu vật tư và thiết bị phục vụ dự án; vấn đề bảo vệ môi trường.
"Đặc biệt là vấn đề môi trường, một số dự án PPP đã phải tạm dừng triển khai do vấp phải những kiến nghị từ người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là trong các dự án về xử lý rác thải trong các dự án điện rác", ông Vinh nhận định.
Đối với khâu vận hành, khai thác thì vướng mắc có thể nảy sinh ở các vấn đề như việc ký kết hợp đồng đầu ra của dự án, thu phí sản phẩm, dịch vụ đầu ra, cơ chế tăng, giảm và chia sẻ doanh thu của dự án. Tại khâu chuyển giao dự án sau khi hoàn thành, thì vướng mắc lại nằm ở việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp trong các dự án và thời hạn, điều kiện chuyển giao dự án.
Theo ông Vinh hệ thống pháp luật về đầu tư theo PPP mới được hoàn thiện, nên các quy định hướng dẫn thi hành dự án đầu tư theo PPP còn chậm được ban hành.
Lời khuyên của các luật sư: Khuyến khích hoà giải hơn là tìm đến toà án
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập, trọng tài viên VIAC, nguyên thành viên Tòa Trọng tài Quốc tế (ICC) đưa ra khuyến nghị, để quản lý tranh chấp một cách hiệu quả cần phải có sự chú ý về các quy định ngay từ khi bắt đầu dự án.
Ông Dũng cho rằng, khi nảy sinh tranh chấp, nên lựa chọn những biện pháp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, tránh phát sinh chi phí và nên tiếp cận biện pháp giải quyết tranh chấp theo hướng phòng ngừa, khuyến khích hòa giải trước khi tìm đến trọng tài, tòa án.
Đặc biệt là nên tiếp cận tranh chấp PPP theo hướng hợp đồng thay vì đưa thành các tranh chấp theo hiệp định đầu tư.
"Nên tiếp cận cách thức giải quyết tranh chấp PPP theo hướng hợp đồng thay vì đưa thành các tranh chấp theo hiệp định đầu tư"
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần sớm thể chế hóa và thực thi đầy đủ cơ chế pháp luật về chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong các dự án PPP theo quy định của Luật đầu tư PPP; xây dựng cơ chế để giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư PPP… để có thể tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư trong các dự án PPP nói chung và các dự án trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng nói riêng.