Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu Quốc hội cần phải có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, với gần 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 Luật và 4 Nghị quyết với sự thống nhất rất cao.
Chỉ đạo trực tiếp tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan ban ngành liên quan khẩn trương tổ chức triển khai kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua ngay sau kỳ họp, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” để các Nghị quyết, Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV |
Trước đó, trong phiên bế mạc chiều 11/1, Quốc hội nhất trí thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình tập trung vào 4 lĩnh vực gồm y tế, phòng, chống dịch COVID-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.
Về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.950 tỷ đồng, với quy mô 729 km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau.
Dự án gồm 12 dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nhận định đây là công trình có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện, cơ bản hoàn thành toàn bộ công trình trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Ngoài ra, đảm bảo công khai, minh bạch quá trình triển khai, thực hiện, quản lý, khai thác và vận hành dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực triệt để tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực; xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương.
Về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định đây là dự án luật có phạm vi rộng, điều chỉnh nhiều đối tượng khác nhau, do đó thống nhất quan điểm chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; góp phần hoàn thiện khung thể chế, chính sách, hành lang pháp lý để đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng được Quốc hội tập trung thảo luận và thống nhất thông qua với sự đồng thuận cao.
Ngoài các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian vừa qua, điểm mới của Nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ; ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Dự kiến các cơ chế đặc thù này sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng thu hút nguồn lực, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.
Cuối cùng, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV để thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron để bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh, quyết liệt và nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine và tiêm mũi tăng cường cho người lớn, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em.
Đồng thời, yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt, liên quan đến vụ việc kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo: “Tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, thông tin, tuyên truyền, khen thưởng, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm và việc mua bán Kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
“Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”.