Một trang trại điện mặt trời tại Bình Đỉnh Sơn, Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Hãng tin SCMP trích dẫn báo cáo công bố ngày 29/11 của CREA cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ tạo ra 440 terawatt giờ (TWh) điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thủy điện và hạt nhân vào năm 2023. Con số này lần đầu tiên vượt mức tăng trưởng nhu cầu điện trung bình trong 10 năm của đất nước là 367 TWh.
Nếu trở thành sự thực, sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng mang tính chuyển đổi trong cơ sở hạ tầng năng lượng của Trung Quốc, trong đó việc lắp đặt năng lượng xanh đã đạt đến mức độ không chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu điện bổ sung mà còn có thể thay thế cho nhiệt điện than. Nếu xu hướng tích cực này được duy trì, các nhà phân tích của CREA dự đoán lượng phát thải trong ngành điện của Trung Quốc có thể đạt đỉnh và bắt đầu giảm trong 2 năm tới.
Nhận định về viễn cảnh trên, bà Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại CREA, cho biết: “Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của việc lắp đặt năng lượng sạch ở Trung Quốc cho đến năm 2023 có nghĩa là nước này hiện có khả năng đạt đến đỉnh và giảm lượng khí thải carbon dioxide ngay lập tức bằng cách đảm bảo tiếp tục mức tăng trưởng đó”.
Tuy nhiên, bà cho biết “các cam kết về khí hậu hiện tại của Trung Quốc tạo điều kiện cho lượng khí thải carbon dioxide tăng lên cho đến cuối thập kỷ này”, do đó khiến việc đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris trở nên “gần như không thể thực hiện được”. Là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đặt mục tiêu đạt mức đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Trong bối cảnh đó, bà kêu gọi chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ công suất điện than mới, củng cố mục tiêu hạn chế phát thải của ngành điện và đẩy nhanh đầu tư vào sản xuất điện sạch và lưu trữ điện để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng than. Nguyên nhân là do nhưng tổng lượng khí thải carbon, mức tiêu thụ năng lượng và đầu tư vào công suất điện đốt than của nước này vẫn chưa đi đúng hướng.
Trong một báo cáo riêng biệt công bố ngày 27/11 của CREA và Heinrich Böll Foundation (HBF), một tổ chức nghiên cứu của Đức, lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trở lại vào năm 2023 từ mức giảm nhẹ vào năm ngoái. Nguyên nhân là do sản lượng thủy điện sụt giảm do đợt hạn hán lịch sử đã thúc đẩy sản xuất điện đốt than cùng với việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần 3 năm hạn chế vì Covid-19.
Bất chấp tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ “giảm dần” việc sử dụng than bắt đầu từ năm 2026, chính phủ vẫn đang thúc đẩy việc mở cửa các nhà máy điện than mới trên cơ sở lo ngại về an ninh năng lượng. Theo báo cáo của CREA và HBF, từ đầu năm 2022 đến tháng 7/2023, công suất điện than của Trung Quốc đã tăng ròng 40 gigawatt (GW), trong khi phần còn lại của thế giới giảm ròng 19GW.