Dự án giếng siêu sâu hơn 10.000m tại Tứ Xuyên là dự án khoan sâu thứ 2 tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, công ty PetroChina Southwest Oil and Gasfield là bên chịu trách nhiệm cho dự án khoan giếng Shendi Chuanke-1 với độ sâu dự kiến 10.520m ở lưu vực Tứ Xuyên. Nếu việc khoan thành công, một khu vực chứa khí đốt tự nhiên siêu sâu dự kiến sẽ được phát hiện.
Trong khi đó, China Electric Power News trích dẫn giám đốc dự án Ding Wei cho biết sẽ có một nhóm nghiên cứu riêng biệt làm việc tại giếng khoan này nhằm mục đích thu thập thông tin địa chất từ độ sâu 10.000m. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được để cập nhật các lý thuyết về sự tích tụ khí đốt, đồng thời xây dựng một đội ngũ kỹ thuật quốc tế hàng đầu ở Trung Quốc.
Dự án này được đánh giá là thách thức nhất trên thế giới do các giếng siêu sâu hơn 9.000m đã được coi như nằm trong số có nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật nhất của ngành khí đốt. Các kỹ sư tham gia vì vậy sẽ phải vượt qua những “thử thách tầm cỡ thế giới” trong quá trình khoan.
Một vài thách thức lớn nhất bao gồm cấu trúc địa chất phức tạp và nhiệt độ cực cao ở độ sâu 10.000m. Theo kỹ sư trưởng Yang Yu của dự án trả lời tờ China Electric Power News, ở độ sâu này, nhiệt độ sẽ đạt ngưỡng 224 độ C và có thể khiến các dụng cụ khoan kim loại trở nên “mềm như sợi mì”. Trong khi đó, môi trường áp suất cực cao ở mức 138 MegaPascal khiến việc khoan giống như “lặn xuống biển sâu 13.800m, vượt xa áp suất nước biển tại rãnh Mariana – đại dương sâu nhất thế giới”.
Nhận định từ tờ China Electric Power News cho biết giếng thăm dò Shendi Chuanke-1 thuộc dự án khoan sâu Trái Đất – một phần của nỗ lực rộng lớn của Trung Quốc nhằm “cung cấp nền tảng và hỗ trợ quan trọng cho nghiên cứu khoa học và phát triển tài nguyên dầu khí trong tương lai của quốc gia”. Với tầm quan trọng này, ông Ding Wei khẳng định dự án thăm dò độ sâu 10.000m là một “dự án lớn của quốc gia” có thể so sánh với dự án thăm dò mặt trăng.
Trong bối cảnh xung đột địa chính trị, tình trạng thiếu điện gia tăng và biến động giá cả toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng dần trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong những năm gần đây,
Theo kế hoạch 5 năm, SCMP cho biết Bắc Kinh đang tìm cách cung cấp nhiều năng lượng hơn cho nhu cầu nội địa vào năm 2025 trong khi hướng tới tăng cường sản xuất dầu khí trong nước và hợp tác năng lượng sạch với các quốc gia khác. Kể từ năm 2021, nước này đã trở thành nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 4 thế giới và nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của nước này hiện đã vượt quá nguồn cung cấp dầu mỏ.
Các giếng sâu và siêu sâu do đó đã trở thành chủ lực thăm dò khí đốt chính trong khi Tứ Xuyên được lựa chọn do đây là nơi có một số trữ lượng khí đá phiến lớn nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự án này không phải dự án giếng cực sâu đầu tiên của Trung Quốc mà là thứ 2. Dự án đầu tiên, đồng thời là dự án giếng sâu nhất châu Á, bắt đầu từ 30/5 trước đó tại khu vực lòng chảo Tarim giàu dầu mỏ ở tỉnh Tân Cương, phía tây quốc gia này. Với độ sâu 11.100m, dự án khoan tại Tân Cương sử dụng công nghệ giàn khoan tự động đầu tiên trên thế giới có khả năng đạt độ sâu 12.000m do Trung Quốc phát triển.