Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất 2 tháng đầu năm

XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC
20:37 - 28/02/2023
Các thị trường xuất khẩu nông sản lớn trong 2 tháng đầu năm.
Các thị trường xuất khẩu nông sản lớn trong 2 tháng đầu năm.
0:00 / 0:00
0:00
Hai tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên giữ vị trí số 1 trong các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với kim ngạch 1,27 tỷ USD, chiếm 20,2% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu 6,28 tỷ USD mặt hàng này.

Thống kê kết quả xuất khẩu nông sản tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,1% so với tháng tháng đầu năm.

Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD (tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước); chăn nuôi đạt 29 triệu USD (tăng 46,5%), đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (giảm 5,2%). Ngược lại, lâm sản chính chỉ đạt gần 872,1 triệu USD (giảm 10,7%), thủy sản 550 triệu USD (giảm 13,1%).

Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước được Bộ NN&PTNT thống kê, gồm: Chè tăng 5,1%; nhóm rau quả tăng 17,8%; sắn và sản phẩm sắn tăng 32,7%, sữa và sản phẩm từ sữa tăng 10,2%, thịt, phụ phẩm tăng 14,2%.

Những mặt hàng giảm gồm: Cà phê giảm 14,6%; cao su giảm 23,1%; gạo giảm 10,8%; hạt điều giảm 14,3%; hạt tiêu giảm 7,4%; cá tra giảm 64,1%; tôm giảm 54,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%; sản phẩm mây, tre, cói thảm giảm 39,8%.

Về thị trường xuất khẩu 2 tháng đầu năm, các thị trường châu Á chiếm nhiều nhất với 47,4% thị phần, châu Mỹ đứng thứ hai đạt 21,1%, châu Âu chiếm 13,4%, châu Đại Dương 1,4% và châu Phi (1,3%).

Xét riêng từng quốc gia, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần).

Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ khoảng 1,19 tỷ USD (chiếm 19,0% thị phần); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 563 triệu USD (chiếm 9,0%); thứ 4 là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 302 triệu USD (chiếm 4,8%).

Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 11,99 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu khoảng 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu ước khoảng 5,72 tỷ USD, giảm 9,5%; xuất siêu 559 triệu USD, giảm 68,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng cường thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời gian tới

Bộ NN&PTNT đang triển khai các hoạt động đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới.

Ngành nông nghiệp tập trung tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực. Tiếp tục phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ chuẩn bị tổ chức Đoàn công tác làm việc với Hải quan Nam Ninh và Hải quan Vân Nam của Trung Quốc để kết nối, xúc tiến thương mại; cập nhật, tháo gỡ các vướng mắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn xuất khẩu rau quả trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần 5 chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau hoa quả Việt Nam (Hortex Vietnam 2023) vào đầu tháng 3/2023.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp