Ảnh minh họa. |
Tổng cộng có 14 mô hình LLM bao gồm cả những mô hình từ các tập đoàn lớn như Xiaomi, Fourth Paradigm và startup 01.AI thành lập bởi nhà đầu tư mạo hiểm Lee Kai-fu, đã được các cơ quan chức năng tại Trung Quốc "bật đèn xanh" cho mục đích thương mại.
Trong đó có mô hình XGPT AI của ThreatBook là mô hình LLM đầu tiên tập trung vào bảo mật Internet ở Trung Quốc. Công ty cho biết mô hình của hãng có thể giúp doanh nghiệp phân tích kịp thời và chính xác về các mối đe dọa bảo mật tiềm ẩn.
Mô hình LLM của XinYi Tech, cũng là sản phẩm nội địa đầu tiên, tập trung vào các công cụ xử lý và tạo video hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, dành cho các lĩnh vực như quảng cáo, giáo dục, truyền thông và thậm chí cả thương mại điện tử.
Hay như mô hình LLM Pinshang và Moxiaoxiaon của công ty khởi nghiệp Frontis.AI cũng được cấp phép vào tháng này. Các mô hình này cung cấp cho khách hàng là những công ty tiêu dùng thông tin sâu về ngành như hỗ trợ đổi mới sản phẩm và tiếp thị.
Cùng với mô hình LLM, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đáng chú ý cũng được phê duyệt trong tháng 1/2024 bao gồm công cụ bổ sung sơ yếu lý lịch thông minh từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, cũng như các chatbot từ công ty dịch vụ thương mại điện tử Beijing Zhidemai Tech và nhà cung cấp tạp chí sách và truyện tranh iReader Technology.
Kể từ khi ra mắt cuối năm 2022, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành.
Khảo sát mới đây của Gartner với hơn 2.500 nhà lãnh đạo điều hành trên toàn cầu cho thấy, 45% lãnh đạo công ty công nghệ báo cáo rằng, ChatGPT đã thúc đẩy họ tăng cường đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích trong nhóm nghiên cứu của Gartner nhận định, cơn sốt trí tuệ nhân tạo dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp trí tuệ nhân tạo đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
"Khi bắt đầu phát triển và triển khai các mô hình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức.", chuyên gia Frances Karamouzis chia sẻ.
Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo tính đạo đức khi triển khai các giải pháp trí tuệ nhân tạo. Năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập Viện Tiêu chuẩn điện tử - cơ quan phụ trách xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho các mô hình LLM.
Tuy nhiên, ông Robin Li Yanhong, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Baidu nhận định, việc bùng nổ đầu tư đối với mô hình LLM là lãng phí tài nguyên rất lớn. Tính đến tháng 10/2023 đã có 238 LLM được giới thiệu ở nước này và hầu hết trong số đó vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, ông Li cho rằng, chính phủ nước này cần thúc đẩy sáng kiến phát triển ứng dụng lớn để đưa ra thị trường nhiều dịch vụ giống ChatGPT hơn.