Tự doanh Chứng khoán APEC mạnh tay cắt lỗ gần 1.000 tỷ đồng năm 2022

APS Chứng khoán APEC
22:22 - 28/01/2023
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc APS.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc APS.
0:00 / 0:00
0:00
Tự doanh của Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã APS) đã cắt lỗ 954 tỷ đồng trong năm 2022, so với mức vỏn vẹn 5,4 tỷ đồng của năm 2021. Điều này khiến APS ghi nhận mức lỗ kỷ lục.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của Chứng khoán APEC, công ty đạt doanh thu hoạt động gần 82 tỷ đồng trong quý 4, giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do các mảng chủ chốt là tự doanh, cho vay và môi giới đều giảm sâu.

Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng gấp 60 lần so với cùng kỳ, lên mức 265 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ mảng tự doanh 263 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận lỗ). Chính điều này đã khiến APS lỗ sau thuế 152 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi ròng 428 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, APS mang về doanh thu 353 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2021. Đáng nói, con số này thậm chí chưa bằng mức thu 522 tỷ đồng của quý 4/2021. Đóng góp chính cho doanh thu của công ty trong năm này vẫn là mảng tự doanh với gần 292 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lỗ tự doanh của công ty cũng tăng mạnh lên mức 954 tỷ đồng, so với mức lãi 5,4 tỷ của năm 2021. Điều này khiến APS lỗ sau thuế tới 448 tỷ đồng trong khi năm 2021 lãi ròng gần 563 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục của Chứng khoán APEC đồng thời là năm thứ 2 trong 4 năm gần nhất công ty này kinh doanh thua lỗ.

Đến cuối quý 4, tổng tài sản của APS giảm từ 40% so với đầu năm về còn 976 tỷ đồng. Trong số này gồm 160 tỷ tiền và tương đương, dư nợ cho vay và phải thu giảm 64% còn 179 tỷ đồng. Danh mục tự doanh có giá trị 517 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2022, danh mục này ghi nhận lỗ gần 170 tỷ đồng.

Khoản lỗ nặng nhất của APS là cổ phiếu API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương, doanh nghiệp cùng hệ sinh thái APEC. Với giá gốc đầu tư gần 189 tỷ đồng, APS đã lỗ gần một nửa vì cổ phiếu này (giá trị hợp lý còn 95 tỷ đồng) trong khi thời điểm đầu năm lãi tới 192 tỷ đồng.

API từng “gây sốt” trong những tháng cuối năm 2021 với đà tăng ấn tượng từ dưới mệnh giá lên mức đỉnh hơn 45.000 đồng. Tuy nhiên từ đầu năm 2022 tới nay, cổ phiếu này liên tục đi xuống và đã gần về sát điểm xuất phát. Kết phiên 27/1, API đứng ở mức giá 10.500 đồng/cp.

Trong danh mục cổ phiếu niêm yết mà APS nắm giữ còn có IDJ, CEO, HPG, BCG, AAT, CSC, APC, NBB... Trong đó IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng nằm trong hệ sinh thái APEC và ghi nhận lỗ 25% (43 tỷ đồng); CEO được rót 104 tỷ đồng và lỗ 18 tỷ đồng. Các mã khác cũng đều sinh lời âm.

Đối với danh mục cổ phiếu chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch, APS đang đầu tư vào chủ yếu vào CTCP Tập đoàn Apec Group, CTCP Apec Finance, CTCP Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng, CTCP Dreamworks Việt Nam... Danh mục này có giá trị gốc là gần 222 tỷ đồng và ghi nhận lỗ gần 5 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của APS giảm từ 203 tỷ đồng hồi đầu năm về còn dưới 14 tỷ đồng, chủ yếu từ việc giảm khoản phải trả ngắn hạn và thuế phải nộp.

Với việc kinh doanh thua lỗ trong năm 2022, vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 1.410 tỷ đồng về mức 963 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối giảm 80% về còn 116 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.