Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Lao Động |
Cụ thể, Toà tuyên phạt tử hình bà Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và 20 năm tù về “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Ngân hàng SCB.
Theo HĐXX, qua hồ sơ, chứng cứ và diễn biến phiên tòa, đủ căn cứ xác định bị cáo Trương Mỹ Lan phạm vào các tội danh như cáo trạng truy tố. Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB, là nguyên nhân SCB rơi vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang trong người dân, xói mòn niềm tin của nhân dân.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội. Bị cáo Lan đã phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức.
Cũng theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan không thành khẩn, khai báo quanh co, hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi. Do đó, HĐXX áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất.
Với nhóm bị cáo là lãnh đạo SCB và cán bộ chủ chốt tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, theo HĐXX, mặc dù biết hồ sơ vay vốn khống là để bà Trương Mỹ Lan rút tiền nhưng các bị cáo này vẫn giúp sức cho mượn pháp danh công ty, thuê người đứng tên, tạo điều kiện cho bà Lan rút tiền. HĐXX xác định các bị cáo này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh như bị cáo Trương Mỹ Lan.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo đã nộp bao nhiêu tiền khắc phục hậu quả?
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu tới 91,5% cổ phần của SCB và là cổ đông có “quyền lực” để thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích của mình.
Để lấy tiền từ SCB, bị cáo Lan và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi: Tuyển chọn, bố trí nhân sự vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu; thành lập, sử dụng hàng ngàn “công ty ma”…
Cùng với đó là thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ năm 2012 đến 2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm 1.057 khoản khách hàng cá nhân, 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng.
Đến ngày 17/10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án), còn 1.284 khoản vay (gồm 440 cá nhân vay 512 khoản, 435 tổ chức vay 772 khoản) với dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.