Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo phân trần về ‘game tài chính’ của Vietjet

Vietjet Hàng KHông
20:10 - 26/04/2023
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Vietjet.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Vietjet.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, những năm trước công ty có ghi nhận các khoản thu nhập từ hoạt động bán tàu bay, nhưng đây là một việc bình thường chứ không hề là “game tài chính” như nhiều người lầm tưởng.

Chiều 26/4, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã VJC) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, bao gồm kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, bầu bổ sung bà Hồ Ngọc Yến Phương (Phó tổng giám đốc VJC) vào HĐQT, phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, phương án phát hành cổ phần phổ thông, phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi…

Tại đại hội, ban lãnh đạo Vietjet cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến tình hình, định hướng kinh doanh, đầu tư máy bay, kế hoạch chia cổ tức, quan điểm về áp giá trần – giá sàn vé máy bay… Dưới đây là các nội dung thảo luận chính do Mekong ASEAN tóm lược.

Định hướng phát triển của Vietjet trong năm 2023?

Tổng giám đốc Đinh Việt Phương: Năm 2023, chúng ta đã bước qua quý 1 và thấy được bức tranh tích cực hơn, đặc biệt là đợt Tết cao điểm. Vietjet là đơn vị có khối lượng vận chuyển lớn nhất với số lượng máy bay luôn sẵn sàng phục vụ.

Năm nay, Vietjet sẽ kiên trì định hướng đã đề ra. Đó là tiếp tục mở rộng các đường bay quốc tế. Năm 2022, việc đưa máy bay Airbus A330 vào hoạt động đã đánh dấu bước chuyển mình của Vietjet để vươn ra các thị trường xa hơn. Công ty luôn tiên phong mở các đường bay mới, như năm vừa qua chúng ta đã mở đường bay tới Brisbane (Australia). Tiếp theo, Vietjet sẽ mở các đường bay mới tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Với thị trường nội địa, Vietjet sẽ tiếp tục ổn định các đường bay, tăng các đường bay liên kết giữa các vùng, không chỉ trên đường trục Hà Nội – TP HCM - Đà Nẵng, mà cả các đường bay chéo để người dân mọi miền đều thuận tiện cho việc đi lại.

Ngoài ra, Vietjet sẽ tiếp tục bổ sung đội tàu bay mới, hiện đại, tàu bay thân rộng A321.

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Chiến lược của Vietjet là phát triển mạnh mẽ mảng bay quốc tế. Năm vừa qua, Vietjet đã bắt đầu phát triển lên mạng bay tầm trung thông qua đội tàu bay thân rộng A330. Tinh thần của Vietjet là không lấy khách của các hãng hàng không khác mà phát triển thêm thị trường. Chúng ta đi đầu và các hãng hàng không khác sẽ đi cùng để khai phá những thị trường mới, thị trường đông dân nhất thế giới như Ấn Độ, hoặc thị trường đầy hấp dẫn và khác biệt như Australia.

Ngoài ra, Vietjet cũng triển khai dịch vụ mới như hệ thống check-in online quốc tế, khách hàng thân thiết (đã thu hút hơn 3 triệu thành viên), ví điện tử (do công ty con của Vietjet phát triển)… Các sản mới của Vietjet đã nhận được nhiều lời khen từ khách hàng.

Xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn nhất và đáng kể trong hoạt động của các hãng bay. Vậy công ty có chiến lược gì để quản trị vấn đề nhiên liệu?

Phó Tổng giám đốc Vietjet Michael Hickey: Vietjet có chi phí vận hành thấp là do chúng ta có đội tàu bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu trên 15%, từ hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing. Đồng thời, Vietjet luôn phối hợp với nhà sản xuất để quản lý sử dụng nhiên liệu một cách tối ưu. Việc điều hành tại các khu vực khai thác bay, tra nạp nhiên liệu cũng đều có hỗ trợ của nhà sản xuất…

Khi giá xăng dầu vượt qua 80USD/thùng thì công ty đã tiến hành phương pháp heaching để quản lý chi phí giá xăng dầu. Dự trữ xăng dầu cũng đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh. Chuyên nghiệp với sự hỗ trợ của các nhà sản xuất, đối tác lớn.

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Khi giá xăng dầu vượt ngưỡng 80 USD/thùng, công ty đã bắt đầu cân nhắc tiến hành hedging (bảo hiểm giá xăng dầu – PV) để đảm bảo quản lý được chi phí nhiên liệu. Công ty cũng đã từng mua xăng dầu dự trữ và mang tới hiệu quả rất đáng kể, đóng góp vào hoạt động chung của công ty.

Kế hoạch và chiến lược phát triển khách hàng thân thiết đang triển khai như thế nào?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Sơn: Tháng 5 tới, Vietjet sẽ chính thức ra mắt chương trình khách hàng thường xuyên với tất cả các tiện ích. Khách hàng có rất nhiều cơ hội tích điểm, đổi điểm trên các dịch vụ không chỉ của Vietjet mà cả của hệ sinh thái Sovico cung cấp, chưa kể các đối tác cùng tham gia.

Hiện đã có hơn 3,2 triệu khách hàng tham gia. Dự kiến khi chính thức đưa ra thị trường, chương trình sẽ đón khoảng 10 triệu khách hàng trong nước và quốc tế.

Bộ GTVT dự kiến tăng khung giá trần vận chuyển hàng không nội địa, Vietjet có ý kiến gì về vấn đề này?

Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Sơn: Các thị trường quốc tế đều không áp dụng khung giá trần. Hiện Việt Nam đã có 5 hãng hàng không, không còn yếu tố độc quyền, vì vậy tôi nghĩ giá nên do thị trường quyết định theo quan hệ cung cầu.

Thị trường Việt Nam còn có nhiều điểm đặc thù khác biệt, có chỉ số mùa. Như 2 tuần trước Tết, lượng khách từ Nam ra Bắc hết chỗ, trong khi ngược lại vắng vẻ. Trong bối cảnh thế giới biến động, chi phí xăng dầu cao, chi phí khai thác của các hãng hàng không cũng tăng lên. Đã có trường hợp bán tất cả vé với giá trần vẫn không đủ bù chi phí. Tôi nghĩ rằng điều chỉnh giá trần lên là tốt, tuy nhiên tốt nhất vẫn là để cơ chế cung cầu tự điều tiết. Các hãng hàng không có cơ hội để đưa ra nhiều mức giá.

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Mùa này chúng ta thường nghe đâu đó rằng vé đi Phú Quốc đắt thế, nhưng trên thực tế là các chuyến bay đi Phú Quốc rất đầy ở chiều đi, còn chiều về thì lại không có khách. Thành ra, chi phí của 1 chiều phải gánh cho cả 2 chiều.

Công cụ hành chính phải có can thiệp khi có độc quyền, nhưng như anh Sơn đã nói, hiện tại chúng ta đã có 5 hãng hàng không, điều tiết theo giá thị trường sẽ là tốt nhất để thị trường phát triển, người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn. Như quy định giá sàn có thể cướp đi cơ hội nhận vé 0 đồng của nhiều người.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc VJC.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc VJC.

Kế hoạch phát triển đội máy bay của Vietjet trong năm 2023?

Tổng giám đốc Đinh Việt Phương: Kế hoạch phát triển các hãng hàng không có đạt được hay không phụ thuộc vào việc đảm bảo số lượng tàu bay. Trong 3 năm qua (2020-2022), do tác động của dịch Covid, địa chính trị thế giới nên khả năng cung ứng tàu bay của 2 nhà sản xuất lớn bị ảnh hưởng. Mặt khác, khi ngành hàng không hồi phục thì nhu cầu các hãng đều tăng.

Chúng ta nếu không đảm bảo phát triển đội tàu bay thì khó để đạt được các kế hoạch thương mại. Trong tuần này, Vietjet sẽ tiếp nhận 3 tàu bay mới để phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Công ty sẽ tiếp tục nhận tàu bay A330 theo đúng kế hoạch đặt ra để đảm bảo nhu cầu phát triển mạng bay cho các quốc gia và điểm đến xa hơn. Đồng thời tiếp tục nhận tàu bay A321 trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Hiện nay tàu bay rất khan hiếm và không phải hãng nào cũng đạt như mong muốn. Tuy nhiên, Airbus và Boeing đã xác nhận giao tàu bay cho Vietjet theo đúng yêu cầu của chúng ta.

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Vietjet có 300 tàu bay sẽ nhận trong các năm tới. Những năm trước, công ty có thu nhập từ bán tàu bay. Đôi khi ở bên ngoài không có thông tin về tình hình đặt hàng của Vietjet nên có những đánh giá chưa chính xác về hoạt động đặc thù này, cho rằng đó là một “game tài chính”.

Tuy nhiên việc mua bán này là bình thường. Chúng ta đặt lượng lớn và nhận trong thời gian dài. Khi nhận được giá mua tốt hơn thị trường và chuyển nhượng để hưởng chênh lệch. Nếu có điều kiện thuận lợi, Vietjet giữ lại tàu bay và thu xếp các nguồn tài chính dài hạn để sở hữu.

Vietjet cũng có các phương thức khác. Như thuê tài chính, đây là một dạng thuê mua, công ty sẽ thanh toán dần tiền thuê cho tới một kỳ nhất định thì sở hữu tàu bay. Hay hình thức thuê vận hành, đó là bán tàu bay cho đối tác, nhưng thuê lại để vận hành.

Đôi khi chúng tôi cũng nhận được thông tin câu hỏi “Vietjet theo kế hoạch khai thác dự án có 100 tàu bay, vậy tại sao lại đặt tới 300 - 400 chiếc?”. Thật ra tàu bay cũng có tuổi đời của nó, nếu muốn duy trì đội tàu bay mới thì có thể đặt tàu bay mới về và đưa những tàu bay cũ ra khỏi đội tàu. Nhờ đó, đội tàu của chúng ta luôn trong trạng thái mới và hiện đại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.