Phiên họp bên lề Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4, về sản xuất và thương mại sản phẩm nông sản không gây mất rừng. |
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp tổ chức Phiên họp bên lề Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4, về sản xuất và thương mại sản phẩm nông sản không gây mất rừng, chiều 25/4.
Tại phiên họp, bà Kin Yii Young, Cố vấn kỹ thuật cao cấp khu vực của UNDP cho biết, mức độ mất rừng đáng báo động, làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Từ năm 1990 đến nay, thế giới đã mất hơn 420 triệu ha rừng, tương đương với diện tích đất liền của Đông Nam Á.
Hệ thống nông nghiệp của thế giới ngày càng mở rộng diện tích để sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên toàn cầu, nhất là khi thị trường thực phẩm toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 50 năm tới.
Bà Kin Yii Young cũng chỉ ra, khoảng 80% nạn mất rừng toàn cầu là kết quả của việc mở rộng và quản lý kém đất nông nghiệp để sản xuất các mặt hàng như gia súc, gỗ, dầu cọ, đậu nành, ca cao và cà phê.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food, hệ thống thực phẩm toàn thế giới chịu trách nhiệm cho hơn 1/3 lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra trên toàn cầu.
Do đó, bà Kin Yii Young cho rằng, Chính phủ và khu vực tư nhân cần phát triển các khuôn khổ và quy định mới để thúc đẩy sản xuất bền vững hơn, tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu.
“Ở các quốc gia tiêu thụ hàng đầu, số lượng người áp dụng lối sống bền vững hơn đã tăng mạnh trong 5 năm qua. Người tiêu dùng ngày càng tập trung vào việc mua những gì họ cần, giảm tiêu thụ thịt, các mô hình ít carbon, không lãng phí khi đóng gói”, chuyên gia của UNDP chỉ ra.
Một góc hình ảnh rừng Amazon bị tàn phá. |
Bối cảnh mở rộng nông nghiệp đang gây ra gần 90% diện tích rừng bị mất trên toàn cầu. Từ góc độ hiệp hội ngành hàng, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực với việc đóng góp các sáng kiến quốc tế như REDD+ và chính sách quốc gia cấm khai thác gỗ, chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình phục hồi rừng.
Ông Hoài cũng chia sẻ quan điểm của mình về năng lực của các doanh nghiệp và hộ sản xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam trong việc theo kịp các quy định mới và sắp ban hành về các sản phẩm không gây mất rừng.
Các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi
Theo ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam UNDP cho rằng, hơn bao giờ hết, các bên liên quan như người tiêu dùng, công ty thương mại và các tổ chức tài chính có vai trò nổi bật trong việc định hình thị trường cũng như tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm. Từ đó sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng và sản xuất bền vững.
Các nông hộ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu các quy định về không gây mất rừng và bền vững được áp dụng do quá trình thẩm định nghiêm ngặt và tốn kém. Vì vậy, cần kết hợp các biện pháp để hỗ trợ và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương này.
“UNDP khẳng định sẵn sàng làm việc với các đối tác Chính phủ và khối tư nhân để xây dựng một môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng nông sản không gây mất rừng. Đồng thời, hỗ trợ các mô hình thương mại và sản xuất không gây mất rừng, vì lợi ích của môi trường và con người, đặc biệt là nông hộ nhỏ và các cộng đồng dễ bị tổn thương”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Từ góc độ hỗ trợ tài chính, ông Ivan Ivanov, Phụ trách chương trình toàn cầu của IFC về chăn nuôi bền vững cho biết, IFC có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào chuỗi giá trị không gây mất rừng, đặc biệt là các chiến lược tận dụng lợi ích và đầu tư sẵn có trong khu vực công - tư vào các hoạt động sử dụng đất bền vững, không gây mất rừng.
Tại phiên họp, câu chuyện về những nỗ lực nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái rừng trong thúc đẩy sản xuất ở Colombia cũng được ông Andres Morales, Điều phối viên hợp tác quốc tế và bền vững, Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia chia sẻ.
Cụ thể, ngành cà phê Colombia đối diện với những thách thức do nạn phá rừng và suy thoái rừng gây ra. Người nông dân sản xuất nhỏ đã chuyển đổi sang các phương thức sản xuất bền vững hơn và hưởng lợi từ việc đó.
Hình ảnh từ dự án iLandscape. |
Phiên họp bên lề nằm trong khuôn khổ Dự án ‘Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông" (iLandscape) do Liên minh châu Âu tài trợ, thông qua UNDP, có kinh phí 5 triệu Euro.
Dự án hướng tới bảo vệ 25.000 ha rừng tự nhiên sẽ được bảo vệ, giảm lượng phát thải tương đương khoảng 3 triệu tấn CO2, đồng thời cải thiện sinh kế cho 35% dân số trong 2 tỉnh, đặc biệt là người dân tộc ít người và phụ nữ; và nâng cao tính bền vững trong sản xuất với mục tiêu các hàng hóa chính tăng 25% giá trị.