VBMA: Hơn 74 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn 2 tháng cuối năm

TRÁI PHIẾU NGÂN HÀNG
21:49 - 26/10/2023
VBMA: Hơn 74 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn 2 tháng cuối năm
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn 2 tháng cuối năm 2023 là 74.847 tỷ đồng, trong đó 32% thuộc nhóm bất động sản.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin (20/10/2023) đã có 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 10 với tổng giá trị 8.426 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,3%/năm, kỳ hạn trung bình 4 năm.

Cụ thể, 2.150 tỷ đồng trái phiếu đến từ nhóm ngân hàng, 200 tỷ đồng đến từ nhóm vận tải và 6.076 tỷ đồng đến từ nhóm bất động sản.

Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 192.623 tỷ đồng, với 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 20.424 tỷ đồng (chiếm 10,6% tổng giá trị phát hành) và 162 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 172.199 tỷ đồng (chiếm 89,4%).

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp đã mua lại 5.653 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 10.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn, lũy kế từ đầu năm đến nay, đạt 185.183 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 49% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 90.690 tỷ đồng.

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 74.847 tỷ đồng. Trong đó, 32% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 23.824 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 22.430 tỷ đồng, chiếm 30%, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Cũng theo VBMA, mặc dù thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhóm này trong giai đoạn gần đây thường xuyên đạt được thỏa thuận gia hạn thời gian trả lãi, gốc trái phiếu với nhà đầu tư.

Điều này sẽ hạn chế tình trạng chậm trả lãi, gốc trong ngắn hạn, cho phép các doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ, VBMA đánh giá.

Tính chung cả thị trường trái phiếu, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép tổ chức phát hành và các trái chủ có một số cơ chế để đàm phán khắc phục tình trạng chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp như gia hạn nợ, hoán đổi tài sản, thanh lý tài sản thế chấp.

Trong báo cáo thị trường trái phiếu mới nhất, Chứng khoán VNDirect thống kê, tính đến ngày 3/10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng.

Theo thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp được Bộ Tài chính phát đi ngày 25/10, cơ quan này cho hay, năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường.

Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án như: Đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.

Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.

Phía doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong thời gian tới, có 2 lô trái phiếu đã được lên kế hoạch phát hành thuộc về Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Thiên An.

Công ty cổ phần Vinhomes đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ, được chia thành 3 đợt với tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.

Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Thiên An đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần đầu với tổng giá trị phát hành hơn 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm, lãi suất 9,7%/năm. Như vậy, chỉ sau một tuần tăng vốn điều lệ lên hơn 800 tỷ đồng, công ty này đã huy động vốn từ trái phiếu với hơn 1.000 tỷ đồng và đây cũng là lần đầu doanh nghiệp này phát hành trái phiếu.

Đọc tiếp

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Giá vàng miếng đang niêm yết tại mốc 84 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.
Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Vàng rời khỏi vùng giá kỷ lục

Giá vàng miếng SJC giảm nhanh hàng triệu đồng xuống dưới mốc 84 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn hôm nay cũng quay đầu xuống dưới 77 triệu đồng/lượng.
Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Vàng SJC, vàng nhẫn cao chót vót

Sáng 9/4, giá vàng tiếp tục tăng phi mã. Hiện các doanh nghiệp đang niêm yết vàng SJC ở mốc 82,42 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng nhẫn cũng neo tại đỉnh lịch sử trên 75 triệu đồng/lượng.