Nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về các hình thức cắt giảm các quy định. |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 29/3 nêu ra 2 điểm nổi bật của dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021, gồm: chính sách liên quan đến COVID-19 và các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh.
Chỉ ra những chính sách giảm thuế, giảm phí, lệ phí và các chính sách hỗ trợ một số ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề như hàng không, du lịch, VCCI nhận định, phần lớn các chính sách hỗ trợ đã nhìn trúng và đúng những đối tượng cần hỗ trợ, góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhớ lại những thời điểm năm 2021, có tới 94% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, GDP quý III tăng trưởng âm. Trong bối cảnh ấy, những chính sách được ban hành kịp thời cho môi trường kinh doanh là vô cùng quan trọng.
Ông Công nhận định, đến tháng 10/2021 với sự kịp thời thay đổi chính sách từ 'zero covid' sang 'thích ứng an toàn linh hoạt' đã tạo ra cơ hội cho sự hồi sinh cho các doanh nghiệp, cho thấy tầm quan trọng của chính sách kinh doanh đến các doanh nghiệp.
Sơ lược về 2 dòng chảy chính, ông Công phân tích, dòng chảy thứ nhất về chính sách ứng phó với COVID-19 và phục hồi phát triển đã khai thông các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là Nghị quyết 128 của Chính phủ đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển dẫn đến tăng trưởng dương cả năm GDP đạt 2,58%, nền kinh tế đứng thứ 41 thế giới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 670 tỷ USD đứng top 20 của thế giới.
Dòng chảy thứ hai là cải thiện môi trường kinh doanh, việc đơn giản hóa thủ tục kinh doanh vẫn tiếp được đẩy mạnh, cắt giảm một loạt các rào cản, giấy phép. Dòng chảy này vẫn đã và đang tiếp tục.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Chủ tịch VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về các hình thức cắt giảm của các quy định.
“Quan ngại một số bộ ngành lại đang thắt chặt quản lý hơn nữa, gây cản trợ, tăng thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ, bền vững trong dòng chảy này vẫn là câu hỏi được tiếp tục đặt ra”.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
Làm rõ hơn về những quan ngại này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết có một số chính sách đang được soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Điều này khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh có thể trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả”, ông Tuấn nhận định.
Đưa ra một nội dung cụ thể, ông Tuấn phân tích Nghị định kinh doanh vận tải nội bộ, trong đó đặt ra các yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định.
"Theo khảo sát của VCCI, hiện tại chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị. Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng, chưa tính các chi phí về đường truyền, nhân sự xử lý thông tin; các chi phí cơ quan Nhà nước phải bỏ ra để thực hiện quản lý…"
Cũng theo ông Tuấn, đối với một số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng rất lớn về thủ tục hành chính.
Nhắc đến một quy định khác có nguy cơ làm gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 38/2014/TT-BTC hướng dẫn quy định về thẩm định giá ban hành nửa cuối năm 2021 yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá phải tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối cơ sở dữ liệu về thẩm định giá của mình với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Tuy nhiên, theo phản ánh, yêu cầu doanh nghiệp phải tự xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu sẽ gây tốn kém về chi phí và khó đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Cùng tham gia đưa ý kiến về những vướng mắc của thủ tục, quy định, bà Trần Hoàng Yến, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh: HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND được ban hành với mức phí khá cao. Dự kiến thời gian thu các loại phí nêu trên được bắt đầu áp dụng từ 1/4/2022.
VASEP kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31/12/2022, đồng thời, điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống theo hướng công bằng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Mong các cơ quan chức năng công bố chính thức thời gian bắt đầu và kết thúc, cũng như kế hoạch sử dụng nguồn thu từ các khoản phí nói trên, công khai, minh bạch các khoản thu, chi, đảm bảo không sử dụng ngân sách thu từ các khoản này vào các hoạt động, các công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển của các doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, bà Yến nêu ra thêm một vướng mắc nữa về thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản.
Theo đại diện VASEP, vấn đề “vi phạm quy định môi trường” vô cùng nhạy cảm đối với ngành chế biến xuất khẩu thủy sản do liên quan đến các cam kết tuân thủ và trách nhiệm môi trường với khách hàng quốc tế được cụ thể trong hợp đồng và các chứng nhận phát triển bền vững.
Doanh nghiệp phải thực hiện như là thủ tục để xuất - nhập khẩu. Bất kỳ có thông tin hoặc dấu hiệu cho thấy nhà máy vi phạm các quy định về môi trường của quốc gia sẽ dẫn đến bị cắt hợp đồng và cảnh báo công khai theo cách này hoặc cách khác.
“Điều này sẽ tác động tiêu cực lớn tới không chỉ phạm vi một doanh nghiệp mà còn hình ảnh và kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, và kéo theo là sinh kế của hàng triệu nông - ngư dân”, bà Yến phản ánh.