Theo khảo sát của Mekong ASEAN, đầu tháng 7, đã có 8 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, và MB. Số lượng ngân hàng trả lãi suất huy động 5 - 6% cho kỳ hạn 12 tháng ngày càng nhiều.
Mới nhất, hôm nay 10/7, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn từ 0,1-0,3%/năm, qua đó tiến sát đến mốc 6%/năm kể từ hôm nay.
Biểu lãi suất huy động trực tuyến cho thấy, kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,2%/năm, lần lượt đạt 3,3-3,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng tăng tới 0,3%/năm, 3-4 tháng đang là 3,7%/năm, trong khi 5 tháng lên đến 3,8%/năm.
Kỳ hạn 6-11 tháng đồng loạt được niêm yết ở mức 4,4%/năm sau khi MB tăng thêm 0,2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng, và tăng 0,1%/năm ở kỳ hạn 9-11 tháng.
Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn còn lại tăng thêm 0,1%/năm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 5,1%/năm, 13-18 tháng có lãi suất 5%/năm, và 24-60 tháng lên đến 5,9%/năm, áp sát mức lãi suất 6%/năm đang được số ít ngân hàng áp dụng.
Lãi suất sẽ còn tăng thêm
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ liên tục duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian tới.
Nguyên nhân của mặt bằng lãi suất cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý 3/2024 với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.
Theo tính toán từ VCBS, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 là 5,05%/năm.
Các chuyên gia phân tích thuộc VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong quý 2 và 3 khoảng 0,3-0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý 4 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1 điểm %.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lý giải, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
KBSV cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7 - 1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021 do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.
Trong đó, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Mức tăng lãi suất sẽ không quá đột biến
Theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ 3 yếu tố: lạm phát, tỷ giá, giá vàng.
"Tuy nhiên, mức tăng lãi suất huy động 2 tháng qua chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ," vị chuyên gia này nhận định.
Lãi suất sẽ có sự phụ thuộc rất lớn vào định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước để cân bằng các mục tiêu thúc đẩy kinh tế, ổn định tỷ giá và ổn định lạm phát. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Thế nên, vị chuyên gia này nhận định, lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ - một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng của tỷ giá và chính sách lãi suất.
Về yếu tố tỷ giá, nhóm phân tích đánh giá áp lực về tỷ giá còn dai dẳng. Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt lãi suất chậm hơn. Cộng thêm, rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn. Hay, do yếu tố vụ mùa, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa có thể tăng cao trở lại vào cuối quý 3, khiến áp lực tỷ giá vẫn sẽ kéo dài trong giai đoạn này.
Mặt khác, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm. Nhất là trong bối cảnh kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; sự cải thiện của nhu cầu nội địa hay sự khởi sắc của thị trường bất động sản.
Tuy vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng mức tăng lãi suất huy động sẽ không quá đột biến, mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,7 - 1,0 điểm % để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.