Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, MÃ: VIB) vừa thông báo chốt quyền phát hành 421,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương tỷ lệ 20%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới.
Nguồn phát hành từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán. Vốn điều lệ tăng thêm tối đa là 4.215 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/6 và ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là 23/6.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ mức 21.077 tỷ đồng lên 25.292 tỷ đồng.
Trước đó, vào giữa tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho VIB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.291 tỷ đồng thông qua hai hình thức.
Thứ nhất, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tối đa 4.215 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Thứ hai, phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên tối đa 76 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo phương án đã được ĐHĐCĐ 2023 thông qua.
Sau 2 phương án phát hành, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ gần 25.368 tỷ đồng.
Ngoài ra, VIB cũng là một trong số ít ngân hàng chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông. Cụ thể, vào ngày 3/3/2023, VIB tạm ứng gần 2.108 tỷ đồng để trả cổ tức, tương ứng 10% vốn điều lệ. Tới ngày 5/5/2023, ngân hàng này tiếp tục thanh toán cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 5%.
Tại diễn biến liên quan, ngày 30/5/2023, VIB đã ban hành nghị quyết phê duyệt triển khai và thực hiện phương án tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH một thành viên Quản lý Nợ và Khai thác tài sản VIB (VIBAMC).
Cụ thể, VIBAMC được tăng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng lên 850 tỷ đồng, tương ứng mức tăng thêm là 500 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn vốn chủ sở hữu của VIB. Vào tháng 11/2022, VIBAMC từng được VIB tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng, tương ứng mức tăng thêm là 250 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu của VIB.
VIBAMC được thành lập năm 2009 và là công ty con 100% vốn thuộc VIB. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty bao gồm xử lý tài sản bảo đảm nợ vay, tiếp nhận tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh của những khoản nợ khó đòi thuộc hệ thống VIB để quản lý, khai thác, phát mại, bán đầu giá tài sản theo hình thức thu tiền một lần, bên cạnh đó còn kho bãi và lưu giữ hàng hoá.
Về kế hoạch kinh doanh tại VIB, năm 2023, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 12.200 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 15,3% so với kết quả đạt được trong năm ngoái.
Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 25% lên 292.500 tỷ đồng và con số này có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng được NHNN cho phép. Mục tiêu huy động vốn tăng 26,2% lên 292.600 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu VIB đóng cửa ở mức 23.400 đồng/cp. Tăng gần 32% so với đầu năm, thanh khoản bình quân trên 4,4 triệu cp/ngày.