Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg. Ảnh: VGP |
Chiều 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16/4 - 18/4.
Thủ tướng hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Alexander Schallenberg, đồng thời đánh giá cao kết quả hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Diễn đàn hợp tác Việt Nam - Áo với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hai bên vào sáng 17/4.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Áo ngày càng phát triển hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Cộng hòa Áo, một quốc gia thành viên quan trọng của Liên minh Châu Âu (EU).
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Áo thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.
Ông cảm ơn chính phủ và nhân dân Áo đã dành sự giúp đỡ cho Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước trước đây cũng như hợp tác, hỗ trợ hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đánh giá cao việc Áo luôn nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu trong nhiều năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng các doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tận dụng các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm nâng trao đổi thương mại song phương lên 4 tỷ USD trong những năm tới.
Thủ tướng cũng mong muốn Áo tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy sản tiếp cận thị trường Áo và EU.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Áo có tiếng nói ủng hộ, thúc đẩy Quốc hội Áo sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); ủng hộ việc Uỷ ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn Áo tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy sản tiếp cận thị trường Áo và EU. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần triển khai một số biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như khoa học – công nghệ, cơ sở hạ tầng, lao động, đào tạo nghề, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh...
Thủ tướng cho rằng, là hai quốc gia có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, Việt Nam và Áo có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giao lưu văn hóa - nghệ thuật, âm nhạc, đẩy mạnh hợp tác du lịch.
Thủ tướng mong muốn Chính phủ Áo tiếp tục ủng hộ, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc, qua đó đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của Áo cũng như đóng vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg khẳng định Chính phủ Áo luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên tại khu vực và mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Bày tỏ nhất trí với các đánh giá và ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg khẳng định Áo mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Đánh giá cao những lợi thế về thị trường, nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, cũng như hai nước đều là các quốc gia ủng hộ tự do thương mại, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Áo rất quan tâm và mong muốn hợp tác thực chất, hiệu quả với các đối tác Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg cũng nhất trí hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động thông qua việc xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ, triển khai dự án đào tạo giữa các trường đại học hai nước, đào tạo tại chỗ tại các doanh nghiệp Áo tại Việt Nam cũng như phát triển thị trường lao động đang có nhiều tiềm năng.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.