Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một thị trường bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là thời kỳ đại dịch với doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đạt mức đỉnh.
Tuy nhiên, sự bùng nổ này đang có xu hướng chững lại khi các nhà sản xuất chip đang đối mặt với vấn đề hàng tồn kho ngày càng tăng trong khi nhu cầu càng thu hẹp. Cùng với đó là những hạn chế mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Giới chuyên gia nhận định, sự biến động của thị trường bán dẫn đã khiến nhiều công ty Hàn Quốc phải chứng kiến thu nhập hoạt động sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Nhà sản xuất chip nhớ Samsung Electronics là một trong những công ty chịu ảnh hưởng lớn nhất do nhu cầu chip suy yếu khiến hàng tồn ngày càng tăng cao kéo theo giá chip nhớ của hãng liên tục suy giảm.
Doanh thu của Samsung Electronics trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 47,6 tỷ USD và lợi nhuận từ hoạt động của công ty chỉ dừng lại ở mức 478,5 triệu USD, thấp hơn so với mức 10,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức lợi nhuận từ hoạt động thấp nhất của công ty kể từ quý 1/2009.
Do đó, nhiều công ty bán dẫn Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix đang nỗ lực đa dạng hoá thị trường xuất khẩu như một cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng bán dẫn này.
Báo cáo của BOK cho rằng, sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam là một yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước đó và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Đặc biệt, Việt Nam cũng tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc. Tính đến năm 2022, Trung Quốc chiếm 55% lượng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc, theo sau là Việt Nam ở mức 12%, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ lần lượt là 9% và 7%.
The Korea Times dẫn số liệu Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cùng Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cho thấy, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc năm 2022, tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho quốc gia này. Con số thặng dư năm 2022 được đưa ra là 34,26 tỷ USD, cao gấp 3 lần năm 2012, thời điểm trước khi hai nước ký hiệp định thương mại tự do 3 năm.
"Việt Nam là nơi đặt cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn trên thế giới. Chất bán dẫn của doanh nghiệp Hàn Quốc được sử dụng làm hàng hoá trung gian tại Việt Nam để sản xuất hàng hoá công nghệ thông tin thành phẩm", báo cáo nêu rõ.
Hơn nữa, với lợi thế nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ, chất lượng với chi phí tương đối thấp, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các cơ sở sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
Báo cáo dẫn minh chứng, Samsung Electronics của Hàn Quốc đã chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ năm 2018. Hay như Apple cũng đã chuyển các bộ phận của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6/2022. Google cũng đang xem xét việc chuyển địa điểm lắp ráp sang Việt Nam.