Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nhật Bản

XUẤT KHẨU NHẬT BẢN
07:57 - 30/09/2023
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nhật Bản trong 7 tháng năm 2023, tuy nhiên giá trung bình xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nguồn cung lớn khác của Nhật Bản.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9/2023, ước đạt 65 nghìn tấn, trị giá 205 triệu USD, giảm 32,7% về lượng và 12,8% về trị giá so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 1,27 triệu tấn cà phê, trị giá gần 3,2 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,9% về trị giá.

Trong đó, Nhật Bản là một trong số các thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt. Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 28,5 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và 37,6% về trị giá so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 78,7 nghìn tấn, trị giá 218,9 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt mức 3.132 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 7/2023 và tăng 29,3% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt mức 2.780 USD/tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta sang thị trường Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng lên đến 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tỷ trọng cà phê Robusta trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng từ 66,51% cùng kỳ năm 2022 lên 69,1% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tương tự, tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến cũng tăng từ mức 23,13% của cùng kỳ lên 24,57%. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê Arabica sang Nhật Bản giảm từ 10,36% xuống 6,34% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Việt Nam vươn lên thành nguồn cung cà phê lớn nhất vào Nhật Bản

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 7 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt xấp xỉ 207,4 nghìn tấn, trị giá 873 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ITC, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2023, với khối lượng đạt trên 65 nghìn tấn, trị giá 152,5 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ mức 27,65% cùng kỳ năm 2022 lên 31,38% trong 7 tháng đầu năm 2023.

Tương tự, 7 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ Brazil, giảm 6,5% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 62,5 nghìn tấn, trị giá 244,1 triệu USD.

Dù vươn lên vị trí số một về thị phần, giá trung bình xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn thấp hơn khá nhiều so với các nguồn cung lớn khác vào thị trường này. Nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến do chủng loại cà phê, khi Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta và tỷ lệ cà phê chế biến trong tổng lượng xuất khẩu vẫn còn tương đối thấp.

Ảnh: Bản tin Bộ Công Thương

Ảnh: Bản tin Bộ Công Thương

Nhìn chung, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà phê từ các nguồn cung lớn chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính là do kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Dự kiến, triển vọng cuối năm sẽ khả quan hơn do nhu cầu tăng. Ngay trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu cà phê từ Việt Nam của Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng dương.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.