Thị trường chứng khoán kết thúc phiên cuối cùng tháng 6/2024 với chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm 2023. Cùng đà tăng với chỉ số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với bình quân năm 2023.
Tính đến hết tháng 6/2024, thị trường có hơn 8 triệu tài khoản của nhà đầu tư, tăng 10,32% so với cuối năm 2023. Trong đó, hơn 7,9 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước. Trung bình, mỗi tháng nhà đầu tư mở mới 125.410 tài khoản trên thị trường.
Theo thống kê của Azfin Việt Nam, trong bối cảnh thị trường khả quan, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 2/2024 tiếp tục phá kỷ lục, ước tính đạt khoảng 225.000 tỷ đồng, vượt xa giai đoạn đầu năm 2022 khi VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm.
So với cuối quý 1/2024, con số này ước tính tăng khoảng 18.000 tỷ qua đó ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp tăng so với quý trước. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) ước tính vào khoảng 218.000 tỷ đồng, tăng 23.000 tỷ so với cuối năm 2023 và cũng là con số kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính quý 2/2024 của các công ty chứng khoán, bức tranh margin có sự phân hóa giữa các công ty chứng khoán.
Thị trường có 5 công ty chứng khoán có giá trị dư nợ đạt trên 10.000 tỷ đồng, tiếp tục là những cái tên quen thuộc như TCBS, SSI, HSC, VPS, VNDirect.
Chứng khoán Tecombank (TCBS) có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất với giá trị hơn 5.100 tỷ đồng. Tinh đến cuối quý 2/2024, dư nợ cho vay của TCBS lên đến 24.694 tỷ đồng, đứng vị trí thứ nhất trong nhóm chứng khoán. Trong đó, cho vay margin của TCBS đến cuối quý 2/2024 tăng lên gần 24.200 tỷ đồng, so với mức hơn 16.000 tỷ vào đầu năm.
Về kết quả kinh doanh, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng 106% so với cùng kỳ lên 2.234 tỷ đồng. Hầu hết các mảng kinh doanh đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong đó lãi từ cho vay và phải thu hơn 637 tỷ, tăng 60%. Doanh thu môi giới tăng 42% lên 156 tỷ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động bất ngờ giảm 14% xuống còn 153 tỷ. Kết quả TCBS báo lãi trước thuế đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 192% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức lợi nhuận cao nhất ngành chứng khoán cho tới thời điểm hiện tại.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của TCBS tăng 95% so với cùng kỳ lên 3.927 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế gấp 2,8 lần cùng kỳ, đạt 2.772 tỷ đồng.
Trong khi đó, đứng vị trí thứ hai toàn ngành, dư nợ cho vay margin của Chứng khoán SSI đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 16% so với quý liền trước và tăng 33,5% so với thời điểm cuối năm 2023 nhờ vào những biến động tích cực của thị trường. Đây là mức margin lớn nhất của hãng chứng khoán này kể từ đầu năm 2022.
Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2024, trong quý, SSI ghi nhận mức doanh thu đạt 2.311 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.041 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,5% và 59% so với cùng kỳ 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này ước đạt 4.381 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.002 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 54% và 59% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 giao.
Top 3 thuộc về Chứng khoán TP HCM (HSC) với dư nợ cho vay ký quỹ tăng hơn 50% so với đầu năm, đạt hơn 18.500 tỷ đồng thời điểm cuối quý 2/2024.
Theo báo cáo tài chính, HSC ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng bằng lần với doanh thu hoạt động đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Đây đồng thời là mức cao nhất hai năm.
Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Chứng khoán HSC báo lãi ròng 313 tỷ đồng ,gấp đôi cùng kỳ, đồng thời là mức lãi quý cao nhất gần 3 năm.
Lũy kế sau 6 tháng, Chứng khoán HSC đạt tổng doanh thu 1.957 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng 110% lên hơn 590 tỷ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 62% và 51% kế hoạch cả năm.
Chứng khoán VPS hết quý 2/2024 ghi nhận dư nợ cho vay hơn 11.638,4 tỷ đồng, tăng 12 tỷ so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay ký quỹ với 11.104 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn ngành.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 vừa công bố, VPS ghi nhận nhiều điểm sáng từ hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay, dù mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho công ty nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu.
Tính chung trong quý, doanh thu hoạt động của VPS đạt 1.707,6 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà môi giới chứng khoán này ghi nhận lãi trước thuế 653,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 522,5 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của VPS ghi nhận tăng 12% lên 3.278 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 5 lần lên 1.027,6 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, Chứng khoán VPS đã thực hiện được 86% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.
Mảng cho vay margin trong quý 2/2024 của Chứng khoán VNDirect khởi sắc với lãi đạt hơn 299 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay margin tăng 10,3% so với đầu năm, ghi nhận ở mức 10.936 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh trong quý 2/2024, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.458 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế của công ty đạt 344,9 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ trong quý. Lũy kế 6 tháng lãi gần 962 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ.