Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023. |
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 - 2023), VCCI đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023 ngày 15/2, với chủ đề cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững.
Mong muốn các doanh nghiệp Nhật chuyển giao công nghệ
Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tin tưởng các doanh nghiệp 2 nước sẽ có thể đề xuất nhiều ý tưởng, cơ hội hợp tác mới tới Chính phủ 2 bên. Qua đó góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh châu Á năm 2014.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hợp tác kinh tế thương mại đầu tư luôn là điểm sáng, là động lực quan trọng đưa mối quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu. Riêng trong lĩnh vực đầu tư, FDI của Nhật Bản đã hiện diện trên 57/63 tỉnh/thành của Việt Nam.
Nhật Bản là hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp nguồn vốn ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ tư.
Trong bối cảnh mới khi biến động thế giới đang diễn ra khó lường, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khuyến nghị doanh nghiệp 2 nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa 2 nước, nhất là trong các lĩnh vực mũi nhọn.
"Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần mở rộng quan hệ hợp tác thương mại song phương và đa phương, trong đó trọng tâm là khai thác các tiềm năng lợi thế từ các hiệp định đã ký kết giữa 2 nước.
Trước những khuyến nghị của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong, Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản nhìn nhận, diễn đàn năm nay sẽ hướng tới những vấn đề phát triển kinh doanh và tăng cường hợp tác đầu tư giữa 2 nước sau Covid-19. Đồng thời, tạo cơ hội đồng sáng tạo những nền tảng hợp tác cho mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN.
Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong đóng vai trò là đầu mối hợp tác giữa Nhật Bản với 5 nước Mekong. Trong đó, Việt Nam – Nhật Bản có mối quan hệ hữu nghị thân thiết với nhiều cuộc viếng thăm sôi nổi giữa lãnh đạo hai nước. Đây là cơ sở giúp doanh nghiệp hai bên yên tâm hợp tác.
Theo ông Yoshihisa Suzuki, thời gian quan, nhiều công ty Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là quốc gia hấp dẫn để doanh nghiệp Nhật mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của người Việt đến Nhật Bản ngày càng tăng. Số người Việt ở Nhật Bản đã lên đến 476.000 người (tính đến cuối tháng 6/2022) – cộng đồng này lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
“Thông qua diễn đàn hôm nay, chúng tôi mong muốn tăng tốc sự hợp tác giữa 2 nước và làm nền tảng vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp Việt – Nhật kết nối trên những lĩnh vực hợp tác trọng tâm”, ông Yoshihisa Suzuki nhấn mạnh.
4 địa phương được VCCI khuyến nghị Nhật Bản đầu tư
Về phía đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có nhiều bước tiến trong thời gian qua.
Về đầu tư, Nhật Bản giữ vị trí nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.835 dự án vào Việt Nam với tổng vốn trên 64 tỷ USD. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD. Tuy nhiên, với tầm nhìn tương lai 30, 50 năm tới, hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn.
Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đặt kỳ vọng nhiều nhất ASEAN
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục 6 - 7% mỗi năm, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cùng phát triển.
Theo ông Phạm Tấn Công, diễn đàn năm nay với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và Nhật Bản: cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững” có ý nghĩa thiết thực, nhằm cụ thể hóa những lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa Việt Nam – Nhật Bản về nông nghiệp, năng lượng tái tạo, giảm thiểu carbon và khởi nghiệp sáng tạo.
“Tại diễn đàn, 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với Nhật Bản. Đây là 4 địa phương mà VCCI muốn khuyến nghị Nhật Bản hợp tác kinh doanh - đầu tư. Bởi đây là 4 tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động và cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Chủ tịch VCCI tin tưởng rằng, diễn đàn sẽ đóng góp và viết tiếp những thành tựu hợp tác trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản 50 năm qua.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. |
Nhiều luồng gió xuôi chiều thổi vào mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Cùng tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio vui mừng cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động.
“Có 60% doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam, vượt xa mức trung bình của ASEAN. Điều này cho thấy, Việt Nam là điểm sáng thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản”, Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh.
Cùng với hợp tác đầu tư, theo Đại sứ Yamada Takio, giao lưu con người và và du lịch văn hóa hai nước cũng đang nhộn nhịp trở lại sau Covid-19. Các yếu tố này sẽ giúp hai nước tăng cường hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị.
“Hướng đến mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, sẽ có nhiều chương trình kỷ niệm mang tính bao trùm được tổ chức. Đây là những luồng gió xuôi chiều rất thuận lợi đang thổi vào mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam – Nhật Bản”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tin tưởng.