Sản lượng vải trung bình mỗi năm rơi vào 200.000 – 250.000 tấn. Ảnh: VTV |
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hàng năm, sản lượng vải rơi vào 200.000 – 250.000 tấn, tập trung chính ở Bắc Giang, Hải Dương và một số vùng lân cận khác. Xuất khẩu vải đi riêng thị trường Trung Quốc mỗi năm đạt khoảng 80.000 – 120.000 tấn.
Thị trường lớn thứ hai là Nhật Bản. Hai năm vừa qua, Nhật Bản đã ủy quyền giám sát cho Việt Nam đối với các lô vải xuất khẩu. Nhưng năm nay, Nhật Bản đã quay lại hình thức cử chuyên gia sang trực tiếp Việt Nam để thực hiện việc giám sát này.
Tại buổi thông tin báo chí của Bộ NN&PTNT vừa qua, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, để chuẩn bị cho các lô vải xuất khẩu, Cục đã giám sát kiểm tra toàn bộ nhà máy xử lý sau thu hoạch đóng ở Bắc Giang và Hải Dương. Cùng với đó là gửi công hàm cho Nhật Bản để phối hợp với chuyên gia nước này sang Việt Nam trong cuối tháng 5.
Đối với thị trường Australia, ông Trung thông tin, việc đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải xuất khẩu vào thị trường này hiện nay rất thuận lợi. Vải vào thị trường Australia cần sử dụng phương pháp chiếu xạ, trong khi đó, hiện tại nhà máy chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã có thể đảm đương được.
Khẳng định Mỹ là một thị trường mới, ông Hoàng Trung cho biết, qua nhiều lần trao đổi, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tạo điều kiện để Việt Nam có thêm một cơ sở chiếu xạ được công nhận đáp ứng yêu cầu của phía bạn là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Theo báo cáo của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cuối tháng 5, đơn vị chức năng Mỹ sẽ về đến Hà Nội và tiến hành lắp đặt, đưa vào vận hành phục vụ công tác chiếu xạ. Nếu thuận lợi quả vải của Bắc Giang sẽ đưa xuống Hà Nội xử lý không phải đưa vào TP HCM như trước đây.
Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2023, địa phương này có 29.700 ha vải thiều, tổng sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 - 30/7. Năm nay, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 96 nghìn tấn, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng khoảng 15% so với năm 2022.
Với 17 mã số vùng trồng đã được Hoa Kỳ cấp mã số, diện tích khoảng 205ha, vụ vải thiều năm nay Bắc Giang dự kiến xuất khẩu sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này khoảng 1.500 tấn.
Sản lượng vải Thanh Hà (Hải Dương) năm nay ước tính khoảng 40.000 tấn. Tỉnh hiện đã có 21 mã số cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New zeland, Nhật Bản và Thái Lan.
Về vấn đề cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, đã có văn bản tham mưu cho Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để các địa phương tự tổ chức thực hiện và chủ động trong vấn đề quy hoạch, xác định cây trồng, sản phẩm chủ lực nào cần cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, cũng như phục vụ tiêu thụ trong nước. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ sẽ làm theo hướng dẫn chung của Cục Bảo vệ thực vật và theo yêu cầu của từng nước nhập khẩu.