Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu phân bón, tiến gần mốc 1 tỷ USD

phân bón Nhập khẩu
17:05 - 22/08/2022
Chi 1,45 tỷ USD nhập khẩu phân bón trong cả năm 2021.
Chi 1,45 tỷ USD nhập khẩu phân bón trong cả năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 1,95 triệu tấn, trị giá trên 911,06 triệu USD, tăng 13,3% về kim ngạch và tăng 64,7% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022 cả nước nhập khẩu 168.755 tấn phân bón, tương đương 66,87 triệu USD, giá trung bình 396,2 USD/tấn. Nhập khẩu phân bón giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 6/2022, với mức giảm tương ứng 27%, 37,9% và 14,8%. So với tháng 7/2021 thì giảm mạnh 67% về lượng, giảm 57,5% kim ngạch nhưng tăng mạnh 29% về giá.

Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 1,95 triệu tấn, trị giá trên 911,06 triệu USD, giá trung bình đạt 468,2 USD/tấn; giảm 31,2% về khối lượng, nhưng tăng 13,3% về kim ngạch và tăng 64,7% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất

Số liệu của Tổng cục Hải quan chỉ ra, trong 7 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng mạnh về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc trong tháng 7/2022 giảm trở lại sau 3 tháng tăng liên tiếp, giảm 21,8% về lượng, giảm 27,6% kim ngạch, giảm 7,4% về giá so với tháng 6/2022. Đạt gần 108.000 tấn, tương đương 42,13 triệu USD với giá trung bình 391,4 USD/tấn.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam khi tính tổng 7 tháng đầu năm. Nguồn cung từ Trung Quốc chiếm 48,6% trong tổng lượng và chiếm 42,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước; đạt hơn 945.000 tấn, tương đương 386,9 triệu USD, giá trung bình 409 USD/tấn, giảm 24,3% về lượng, nhưng tăng 14% về kim ngạch và tăng 50,6% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, trong tháng 7/2022, nhập khẩu từ thị trường Nga tiếp tục giảm mạnh, giảm 74,7% về lượng và giảm 76% kim ngạch so với tháng 6/2022; đạt gần 2.600 tấn, tương đương 2,01 triệu USD; so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh 94,9% về lượng, giảm 88% kim ngạch.

Tính tổng 7 tháng đầu năm 2022, thị trường Nga chiếm 7,7% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch, với hơn 149.500 tấn, tương đương 96,7 triệu USD với giá trung bình 647 USD/tấn. Tuy giảm 39% về lượng nhưng tăng 22,4% về kim ngạch và tăng 100,6% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.

Tiếp đến là thị trường Đông Nam Á, trong 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu phân bón đạt hơn 157.600 tấn, tương đương 98,3 triệu USD, giảm mạnh 56,5% về lượng, giảm 16,7% kim ngạch so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm 8% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 1,41 triệu tấn, tương đương 575,5 triệu USD, giảm 24,8% về lượng nhưng tăng 11,4% kim ngạch so với cùng kỳ; chiếm 72,5% trong tổng lượng và chiếm 63,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt hơn 304.800 tấn, tương đương 96,7 triệu USD, giảm 17% về lượng nhưng tăng 26,6% kim ngạch so với cùng kỳ; chiếm 15,7% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam dự báo, giá phân bón tại Trung Quốc sau tháng 6 sẽ tăng. Trên thế giới cũng sẽ có biến động về giá theo xu hướng tăng bởi nguồn cung hạn chế và các quốc gia lớn về nông nghiệp như Brazil sẽ bắt đầu vụ mùa mới sau tháng 7.

Đối với thị trường trong nước, do quý III là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt, giá ure được dự báo tiếp tục giảm, nhưng sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ Đông Xuân bắt đầu. Tuy nhiên, giá ure sẽ khó quay trở lại mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3 trừ khi giá nguyên liệu ure (khí, than) phục hồi trở lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp