Theo đó, sản phẩm tôm chân trắng chiếm giá trị lớn nhất với 931 triệu USD, tiếp đến là tôm sú với 159 triệu USD và tôm khác với 208 triệu USD.
Về thị trường, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với 260 triệu USD, tăng 21% YoY; đứng sau là Mỹ với 229 triệu USD, tăng 1% YoY; Nhật Bản với 183 triệu USD, giảm 4% YoY…
VASEP cho rằng, các đơn hàng từ EU và Nhật Bản dự kiến tăng trong quý 2 năm nay. Nhất là thị trường EU, có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tăng, đặc biệt với các sản phẩm tôm có chứng nhận. Nhu cầu từ Nhật Bản cũng khá tích cực tuy nhiên đơn đặt hàng chậm hơn do đồng yên mất giá và diễn ra tuần lễ Golden Week (một kỳ nghỉ dài quan trọng của nước này).
Đối với thị trường Trung Quốc & Hong Kong, theo VASEP, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong quý 2 khó có thể tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là do nhu cầu tôm đông lạnh của Trung Quốc chậm lại.
Tại Trung Quốc, Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với Ecuador. Bắt đầu từ 1/5/2024, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho tôm Ecuador theo Hiệp định thương mại tự do song phương.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp tôm cho Trung Quốc còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ sản lượng tôm nội địa tăng gây áp lực lên giá tôm nhập khẩu.
Hầu hết các nhà máy chế biến lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong đã phải điều chỉnh giá nguyên liệu giảm 1 - 3%.