Tính chung quý 1/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam ghi nhận xuất siêu 4,07 tỷ USD trong quý 1. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1 với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Trong quý 1, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 10,1%; nhập siêu từ Trung Quốc 12,1 tỷ USD, giảm 15,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,3 tỷ USD, giảm 40,1%; nhập siêu từ ASEAN 2 tỷ USD, giảm 46,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 158,5 triệu USD, giảm 66,4%.
Chỉ có 9 mặt hàng xuất khẩu chính tăng trưởng dương trong quý 1
Trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 14,8%.
Quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1, Việt Nam có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Ba mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất lần lượt là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Tổng kim ngạch của 3 mặt hàng trên đạt 34,6 tỷ USD, tương ứng chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý.
Đáng chú ý, chỉ có 9 trong tổng số 34 mặt hàng xuất khẩu chính (theo công bố của GSO) ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gạo là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất với 30,2%; đứng sau là dầu thô với +17%; giấy và các sản phẩm từ giấy +14,4%; hạt điều +14,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng +10,8%...
Ngược lại, xơ sợi có mức giảm lớn nhất với -33,9% so với quý 1/2022; đứng sau là sản phẩm nội thất từ chất liệu khác với -31,7%; thủy sản với -29%; sắt thép -28,8%...
Trong nhóm nông sản, ngoại trừ rau quả, gạo và hạt điều, các mặt hàng khác đều tăng trưởng âm. Sắn và sản phẩm từ sắn giảm 5,5%; chè giảm 5,3%; hạt tiêu giảm 3,8% và cà phê giảm 2,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng trong quý 1, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 70,24 tỷ USD, chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD, chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 2,3%.
Kim ngạch nhập khẩu giảm 2 con số trong quý 1
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 11,1%.
Tính chung quý 1, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, máy vi tính, điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với 19,2 tỷ USD. Tiếp đến là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,01 tỷ USD; vải đạt 3,06 tỷ USD…
Về tăng trưởng, khí đốt hóa lỏng là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất với +68,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ 2 là dầu thô với +56,5%; thủy sản +30%...
Trong nhóm nông sản, ngô là mặt hàng có tăng trưởng lớn nhất với +24,4%; đứng sau lần lượt là rau quả +7,9%; sữa và sản phẩm sữa +5%; hạt điều +0,3%.
Ngược lại, điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kết quả tăng trưởng thấp nhất với -64,5%; đứng sau là phân bón với -50,7%; cao su -41,3%; bông -38,1%...
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, quý 1/2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 70,22 tỷ USD, chiếm 93,5%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5%.