Doanh nghiệp sản xuất cắt giảm nhân sự trên tất cả các ngành
Thống kê bằng phương pháp định lượng dựa trên kết quả phân tích khảo sát của hơn 1.000 người lao động và 500 doanh nghiệp ngành sản xuất trong tháng 6, báo cáo của VietnamWorks chỉ ra, 9 ngành trọng điểm đều ghi nhận bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, có ít nhất 50% doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu ở mỗi ngành. Trong đó, ngành vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng cao nhất lên đến 91% doanh nghiệp; đứng thứ hai là ngành tự động hóa ô tô có 83% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu; ngành dệt may – da giày có số doanh nghiệp sụt giảm xếp thứ 3 với 82%. Ngược lại, ngành nông lâm nghiệp có ít số doanh nghiệp sụt giảm nhất, chỉ chiếm 50%.
Khi được hỏi về yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, 33% các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực tham gia khảo sát ghi nhận ảnh hưởng cùng lúc đến từ nguồn cầu trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng ngành nghề khác nhau, mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố này cũng có sự khác biệt nhất định. Ngành dược phẩm/công nghệ sinh học có sự sụt giảm từ nguồn cầu trong nước nhiều nhất, chiếm 50%. Sụt giảm từ nguồn cầu nước ngoài nhiều nhất chiếm 49%, thuộc về ngành dệt may – da giày. Trong khi đó, ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp lại bị ảnh hưởng lớn nhất bởi cả 2 yếu tố trên, với 58% doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Đối mặt với khó khăn, duy trì hoặc thu hẹp quy mô là hai giải pháp ứng biến hàng đầu được các doanh nghiệp lựa chọn. VietnamWorks thống kê được trung bình 41% doanh nghiệp mỗi ngành ưu tiên sử dụng giải pháp duy trì quy mô hiện tại, ngược lại, trung bình 30% doanh nghiệp khác lựa chọn thu hẹp quy mô.
Doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đều lựa chọn giải pháp cắt giảm nhân sự, trong đó, ngành vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng thực phẩm, tự động hóa ô tô có tỷ lệ cắt giảm nhiều nhất.
Mong muốn lớn nhất của người lao động là không bị cắt giảm lương
Doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng đã tác động trực tiếp đến người lao động, khiến họ đối mặt với việc bị cắt giảm lương. Theo ghi nhận từ báo cáo, phần lớn người lao động trong ngành sản xuất đối mặt với việc cắt giảm 30 – 50% lương.
Theo thống kê, có 58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 – 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10 – 30% tổng lương, chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương.
Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ. Để kịp thời thích ứng với khó khăn, phần lớn người lao động lựa chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao kỹ năng, tay nghề để ứng phó với khó khăn.
Có 60% người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt để ứng phó khó khăn, 37% làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.
Chính trong giai đoạn này, người lao động cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp hơn bao giờ hết. VietnamWorks thống kê được, có 35% người lao động mong muốn không bị cắt giảm lương, 28% mong muốn được đảm bảo hợp đồng dài hạn, 28% mong muốn được duy trì trợ cấp/phúc lợi và 9% mong muốn được đảm bảo đủ số giờ làm việc.
Nhìn về con đường phía trước, có đến 69% doanh nghiệp cho rằng cần từ 12 tháng trở đi mới có thể về lại trạng thái phục hồi, chỉ có 8% doanh nghiệp lạc quan sẽ phục hồi sau 3 tháng. Như vậy, theo tình hình chung của thị trường, doanh nghiệp dự đoán việc phục hồi không thể diễn ra nhanh chóng, cần nhiều chính sách thích nghi phù hợp.
Bên cạnh các sách lược thích nghi riêng, các doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất sự hỗ trợ từ Chính phủ là cắt giảm thuế, lệ phí và giảm lãi suất cho vay.