Vingroup và hành trình 30 năm, những người dám thất bại để thành công

Vingroup và hành trình 30 năm, những người dám thất bại để thành công

VinGroup VINFAST
09:04 - 08/08/2023

Ngày này cách đây đúng 30 năm, Vingroup được hình thành tại thành phố Kharkov (Ukraine), dưới cái tên Technocom. Với sự dẫn dắt của ông Phạm Nhật Vượng, công ty sản xuất mì ăn liền ngày ấy đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu quốc gia. Trên hành trình đó, tinh thần khởi nghiệp luôn được duy trì khi khai phá những “chân trời mới” với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường.

Hôm nay (8/8) là kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tập đoàn Vingroup, được lấy theo ngày đầu tiên ông Phạm Nhật Vượng sang Ukraine lập nghiệp năm 1993. Khi ấy, Vingroup có tên là Technocom. Thương hiệu đầu tiên là mì ăn liền Mivina.

Mivina từng có thời điểm chiếm lĩnh hơn 90% thị phần mì ăn liền, 80% thị phần khoai tây ăn liền, 60% thị phần bột canh tại Ukraine và xuất khẩu sang 29 quốc gia trên thế giới... Trước khi chuyển nhượng vào năm 2009, thương hiệu đầu tay của ông Phạm Nhật Vượng được định giá hơn 1 tỷ USD.

Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 11/2011, CTCP Vincom và CTCP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình tập đoàn với tên gọi như ngày nay.

Trong quá trình hoạt động, Vingroup luôn chứng tỏ vai trò người dẫn dắt, với việc tiên phong dấn thân vào những lĩnh vực mới và tạo sự chuyển biến lớn về tác động kinh tế xã hội. Dự án bất động sản đầu tiên của tập đoàn chính là Khách sạn Vinpearl Resort Nha Trang, khai trương năm 2003, là khởi nguồn cho chuỗi Vinpearl Resort trải dài từ Bắc vào Nam sau này.

Hiện tại, Vinpearl đã trở thành thương hiệu nghỉ dưỡng đẳng cấp hàng đầu được định vị trong lòng du khách. Trong đó, Vinpearl Land Nha Trang khánh thành năm 2006 (năm 2020 đổi tên thành VinWonders) là công viên giải trí mang đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Phú Quốc United Center khai trương năm 2021 được đánh giá là siêu quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hàng đầu Đông Nam Á.

Cùng với bất động sản nghỉ dưỡng, Vingroup cũng là một trong các doanh nghiệp đầu tiên xây dựng đại đô thị và trung tâm thương mại, góp phần thay đổi bộ mặt các thành phố lớn của Việt Nam. Đó là Times City tổng quy mô 36 ha, Royal City với mô hình “thành phố trong lòng thành phố”, khu đô thị sinh thái Vincom Village (nay là Vinhomes Riverside) được mệnh danh “Venice giữa lòng Hà Nội”, Vinhomes Central Park với điểm nhấn là tòa nhà Landmark 81 tầng, Vinhomes Ocean Park theo mô hình đại đô thị đẳng cấp quốc tế…

Từ Vincom City Tower (nay là Vincom Center Bà Triệu) khởi công năm 2003 - tổ hợp tháp đôi văn phòng, trung tâm thương mại hiện đại đầu tiên ở Hà Nội, hệ thống Vincom hiện sở hữu 83 trung tâm thương mại tại 44 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích sàn đạt 1,75 triệu m2, dẫn đầu toàn thị trường.

Vingroup và hành trình 30 năm, những người dám thất bại để thành công ảnh 2

Năm 2015, Vingroup đổi khẩu hiệu từ “Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển” thành “Vingroup - Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Slogan mới phản ánh chân thực hơn hoạt động của tập đoàn, sau khi bước ra khỏi lĩnh vực bất động sản để mở rộng sang các mảng kinh doanh khác.

Trước đó, từ năm 2012-2013, Vingroup đã bắt đầu lấn sân sang mảng y tế, giáo dục, với việc ra mắt hệ thống y tế Vinmec, hệ thống giáo dục Vinschool. Đến nay, Vinmec đã có 7 bệnh viện đa khoa quốc tế tại các thành phố lớn. Còn Vinschool liên cấp từ mầm non tới hết bậc THPT. Năm 2018, Đại học VinUni tiếp tục ra đời. Hiện, hệ thống y tế và giáo dục của Vingroup đều hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, tập đoàn cho ra mắt chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ vào năm 2014. Cùng với đó là VinEco - thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Từ 9 siêu thị và cửa hàng tiện ích khi mới ra mắt, sau hơn 3 năm, VinMart và VinMart+ đã trở thành hệ thống bán lẻ có độ phủ sóng lớn nhất Việt Nam với 71 siêu thị và hơn 1.300 cửa hàng tiện ích tại 37 tỉnh thành trên cả nước. VinMart và VinMart+ cũng góp phần giúp VinCommerce có mặt trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng do Brand Finance công bố trong 2 năm liên tiếp (2016 và 2017).

Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, Công ty VinSmart được thành lập năm 2018, với 2 lĩnh vực chính là sản xuất các thiết bị điện tử thông minh; nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và nguyên liệu thế hệ mới.

VinSmart đã mắt hàng loạt mẫu tivi, điện thoại thông minh; sản xuất thành công mẫu smartphone camera ẩn đầu tiên tại Việt Nam; xác lập kỷ lục 16,7% thị phần smartphone chỉ sau 15 tháng ra mắt; xuất khẩu điện thoại đi Mỹ; khánh thành nhà máy công suất 125 triệu sản phẩm/năm…

Ngoài những thương hiệu tạo dấu ấn trên, Vingroup còn thử nghiệm trên rất nhiều lĩnh vực, như tài chính với Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG), hàng không với Vinpearl Air, sàn thương mại điện tử với A Đây Rồi (Adayroi.vn), dược phẩm với Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa… Các dự án này tuy không mang lại kết quả đáng chú ý nhưng đã khẳng định sự năng động của một doanh nghiệp dám dấn thân, dám thất bại để tìm ra con đường thành công.

Nói về Vingroup những năm gần đây, câu chuyện nổi bật nhất không gì khác chính là sản xuất ô tô xe máy. Thương hiệu VinFast được ra mắt từ năm 2017, với khát vọng xây dựng một thương hiệu xe ô tô Việt Nam có tầm thế giới, khẳng định khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại của người Việt.

Với một tập đoàn “ưa thử nghiệm” như Vingroup, việc sản xuất xe vốn cũng nhận được nhiều ý kiến nghi ngại, rằng doanh nghiệp có đủ tiềm lực không, có đủ kiên trì không, với một lĩnh vực “ngốn” rất nhiều tiền bạc và công sức.

Tuy nhiên càng ngày, Vingroup càng thể hiện rõ sự quyết tâm trong việc chinh phục thị trường này. Tập đoàn quyết định chuyển nhượng mảng bán lẻ (chuỗi VinMart và VinMart+) để dồn lực cho mảng mới. VinSmart cũng tái cấu trúc để tập trung phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ô tô VinFast.

Năm 2018, nhà máy sản xuất xe máy điện thông minh VinFast chính thức khánh thành tại Hải Phòng, ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên - VinFast Klara. VinFast cũng công bố hệ sinh thái toàn diện dành cho xe điện theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần hạn chế tiếng ồn và khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2019, VinFast tiếp tục khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng, đạt kỷ lục thế giới về tiến độ khi xây dựng và hoàn thiện chỉ sau 21 tháng.

Và ngày 6/3/2019, chiếc xe VinFast Lux SA2.0 đầu tiên chính thức lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất, đánh dấu thành công của chu trình sản xuất thử nghiệm dòng ô tô thương mại “made in Vietnam”. Cùng với VinFast Lux SA2.0, VinFast Lux SA2.0 và Fadil – mẫu xe ô tô cỡ nhỏ cũng lần lượt được bàn giao cho khách hàng.

Đầu tháng 1/2021, VinFast tiếp tục công bố 3 dòng xe SUV điện thông minh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong đó, VF e34 với 3.692 đơn đặt hàng chỉ sau 12h và 25.000 đơn đặt hàng sau 3 tháng mở bán đã thiết lập kỷ lục chưa từng có cho thị trường ô tô Việt Nam.

“Cơn sốt” mang tên VF e34 cho thấy mức độ quan tâm ngày càng lớn của người Việt với loại phương tiện xanh. Vingroup liền quyết tâm dồn lực cho "ván bài" của tương lai và đi đến một quyết định đầy bất ngờ. Đó là dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, trong một lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng, lần đầu tiên ông Phạm Nhật Vượng có chia sẻ chính thức về lý do lấn sân sản xuất ô tô cũng như việc dừng xe xăng để phát triển xe điện.

Theo ông Vượng, Vingroup làm VinFast bắt nguồn từ nhu cầu đóng góp cho xã hội chứ không đơn thuần nhắm đến câu chuyện kinh doanh. Bởi nếu chỉ kinh doanh để kiếm tiền thì Vingroup không dại gì lao vào một lĩnh vực khó.

Về xe điện, ông Vượng cho rằng đây là cơ hội của cách mạng xanh. Cách đây 5 năm, rất ít người quan tâm tới loại hình này nhưng hiện tại đã khác.

"Sau khi thấy cơ hội của xe điện mạnh, lập tức chúng tôi chuyển từ xe sang sang xe điện, dồn toàn tâm toàn lực. Nếu VinFast niêm yết thành công, chúng ta sẽ là hãng xe điện lớn thứ ba thế giới, thậm chí xa hơn nhiều. Tương lai xe điện cũng sẽ còn mạnh hơn nữa”, ông Vượng nói.

Sau hơn 5 năm, hệ sinh thái xe điện của Vingroup đã dần hoàn thiện. Ngoài nhà máy sản xuất tại Hải Phòng, tập đoàn đã xây dựng nhà máy sản xuất Pin VINES tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh; xây dựng nhà máy VinFast tại Mỹ; mở trụ sở VinFast tại Mỹ, Canada và châu Âu; ra mắt “Cộng đồng VinFast toàn cầu”. Ngoài bán xe, Vingroup còn vận hành hệ thống xe buýt điện VinBus, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam - Xanh SM, và sắp tới sẽ là xe ôm công nghệ điện.

Những người Vingroup luôn nói về một khát vọng thương hiệu Việt không chỉ nằm trong khuôn khổ Việt Nam mà vươn xa khắp thế giới. Hình ảnh xe VinFast triển lãm tại Mỹ là niềm tự hào của họ, khi trí tuệ và công sức của người Việt đã được bạn bè quốc tế ghi nhận. Và sau đó, 999 chiếc xe VinFast VF 8 chính thức xuất khẩu sang Mỹ tháng 11/2022 đã mở ra một dấu ấn đặc biệt cho ngành sản xuất ô tô Việt Nam.

“Những chiếc ôtô điện được xuất khẩu sang Mỹ sẽ mang theo khát vọng, niềm tự hào và hy vọng những chiếc xe này sẽ lăn bánh đến khắp nơi trên thế giới, được khách hàng quốc tế đón nhận, ưu tiên lựa chọn sản phẩm thương hiệu Việt”, trích lời Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện xuất khẩu xe của Vingroup.

Tháng 4/2023, lô xe điện VinFast VF 8 thứ hai gồm 1.879 chiếc được xuất sang Mỹ và Canada. Cuối tháng 7 vừa qua, VinFast chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina. Trong tháng 8 này, công ty dự kiến sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, với định giá giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ USD và giá trị vốn chủ sở hữu 23 tỷ USD.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, những bước tiến này sẽ giúp củng cố cam kết của VinFast trong việc thúc đẩy cuộc cách mạng di chuyển xanh và mở ra cơ hội gọi vốn mới để thực hiện tham vọng toàn cầu của thương hiệu.

Hành trình của Vingroup sau con số 30 chắc chắn sẽ còn nhiều điều mới mẻ. Hành trình của VinFast trong việc "thêu" tên lên bản đồ ô tô thế giới cũng còn nhiều chông gai, thử thách. Tuy nhiên tinh thần "mãi mãi khởi nghiệp" và khát vọng đóng góp cho quê hương đất nước sẽ là nguồn cảm hứng để khích lệ nhiều doanh nghiệp hơn nữa tham gia vào công cuộc định vị thương hiệu Việt Nam.

Cuối cùng, xin trích lời ông Phạm Nhật Vượng khi chia sẻ trên Bloomberg năm 2020: “Tôi luôn nói với đồng nghiệp của mình: Đừng để cuộc sống trôi qua vô nghĩa hay đến cuối đời, bạn không có gì để nhớ hay kể lại. Sẽ đau khổ biết bao khi nhận ra chúng ta rốt cuộc không tạo thêm được bất kỳ giá trị nào cho cuộc sống”.

Từ 80 triệu cổ phiếu đến vốn hoá 580.000 tỷ đồng

VIC – cổ phiếu của Vingroup niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2007, với 80 triệu cổ phiếu, tương vốn hoá 800 tỷ đồng. Đến nay, VIC đã có 3,8 tỷ cổ phiếu, vốn hoá gần 240.000 tỷ đồng.

Hai mảng bất động sản và bán lẻ của tập đoàn cũng lần lượt được niêm yết, với VRE của Vincom Retail hiện vốn hoá đạt hơn 65.000 tỷ đồng, VHM của Vinhomes với vốn hoá trên 274.000 tỷ đồng. Tính ra, nhóm cổ phiếu thuộc Vingroup có tổng vốn hoá lên tới gần 580.000 tỷ đồng.

Từ sàn chứng khoán, ông Phạm Nhật Vượng được tạp chí Forbes nêu tên lần đầu vào năm 2013 ở vị trí 974 trong danh sách tỷ phú thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Từ đó đến nay, ông liên tục dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam. Hiện, tài sản của ông Vượng đạt mức 4,7 tỷ USD, đứng vị trí thứ 574 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới.

Đọc tiếp