Ảnh minh họa. |
VN-Index tuần qua biến động khá mạnh. Hai phiên đầu tuần, chỉ số điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, sau đó phục hồi trở lại vùng giá 1.230 điểm. Áp lực bán đột biến trong phiên cuối tuần khiến VN-Index lùi sâu về 1.175 điểm trước khi rút ngắn mức giảm nhờ dòng tiền bắt đáy.
Kết tuần, VN-Index giảm hơn 34 điểm (2,8%) so với tuần trước, về mức 1.193,05 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,34%, về mốc 252,76 điểm.
Trong tuần, thanh khoản trên HoSE đạt 118.474 tỷ đồng, giảm 11,1% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 12,5%. Tuy nhiên khối lượng giao dịch trung bình vẫn ở mức cao với gần 1 tỷ cổ phiếu/phiên trên HoSE.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, bán ròng mạnh tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị hơn 1.600 tỷ đồng, tập trung bán mạnh ở nhóm thép, ngân hàng, chứng khoán. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh nhất HPG với giá trị 513 tỷ đồng. Tiếp theo là VIC bị bán ròng 157 tỷ đồng. Trong tuần trước đó, cổ phiếu của Hoà Phát cũng dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh với giá trị 658 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu KBC với giá trị đạt 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng là OCB, đạt 3,85 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 56,23 tỷ đồng.
Nguồn: SHS |
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có diễn biến kém tích cực nhất với áp lực bán mạnh đột biến trong phiên cuối tuần, như VIX (-9,44%), SHS (-9,18%), VFS (-8,9%), BSI (-8,78%)...
Các cổ phiếu ngân hàng ngoài NAB (+2,78%), STB (+1,23%) tăng điểm trong tuần, đa số cũng chịu áp lực bán, thanh khoản trên mức trung bình như EIB (-8,94%), LPB (-8,57%), VIB (-5,80%), VPB (-5,76%)....
Nhóm bất động sản đa số duy trì xu hướng tiêu cực từ tuần trước đó, như CEO (-11,81%), QCG (-10,00%), CII (-9,44%), TDH (-9,00%), NVL (-7,94%), HDG (-6,53%), PDR (-6,31%)...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu xuất khẩu lại có diễn biến ngược chiều, khi nhà đầu tư kỳ vọng tình hình xuất khẩu cải thiện cho nhu cầu cuối năm, nổi bật như ANV (+15,29%), IDI (+10,79%), CMX (+8,84%), VHC (+8,55%)... của nhóm thuỷ sản; CSV (+16,06%), DGC (+7,93%)... của nhóm hoá chất.
Cần nhiều thời gian để thị trường bình ổn trở lại
Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sau 2 tuần điều chỉnh mạnh, VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm và trong phiên cuối tuần có lúc chạm ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.175 điểm. Nhịp điều chỉnh đang diễn ra là nhịp điều chỉnh thứ hai xuất hiện ở vùng cản 1.250 điểm nên sẽ cần nhiều thời gian để thị trường bình ổn trở lại và hình thành nền tảng tích lũy mới.
SHS cho rằng xu hướng trung dài hạn của VN-Index vẫn là tăng, tuy nhiên thị trường cần tích lũy thêm sau các nhịp rung lắc mạnh. Động thái điều chỉnh, tạo nền có thể còn kéo dài và cần thiết để thị trường tích lũy nội lực cho nhịp tăng tiếp theo, vì vậy nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại và kiên nhẫn chờ thêm các tín hiệu tin cậy.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index có phản ứng hồi phục sau khi lùi về vùng hỗ trợ 1.175 điểm và tạo nến hammer. Với tín hiệu hỗ trợ này, có khả năng thị trường sẽ diễn biến tích cực trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, mức hồi phục có thể hạn chế và mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung tại vùng gap giảm vừa mới tạo ra. Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu trong nhịp hồi phục.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, phiên giảm điểm thứ Sáu có thanh khoản tăng đột biến, tuy nhiên lực cầu bắt đáy xuất hiện khá tốt tại ngưỡng 1.175. Trong những phiên tới, diễn biến của VN-Index phụ thuộc vào dòng tiền bắt đáy trong phiên giao dịch thứ Sáu và có thể còn xuất hiện những phiên rung lắc, vùng 1.190 - 1.200 điểm sẽ cần kiểm tra lại trong một vài phiên tới.
Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS |
Về góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, tuy lực cầu về cuối phiên 22/9 đã giúp cho VN-Index thu hẹp được đà giảm nhưng áp lực bán vẫn đang đè nặng lên thị trường.
Xét về khung đồ thị ngày, hai chỉ báo MACD và RSI vẫn đang hướng xuống tiêu cực cùng với việc gia tăng mạnh của DI- cho thấy áp lực bán vẫn có thể xuất hiện trong các phiên tới. Tại khung đồ thị giờ, hai chỉ báo MACD và RSI mới chỉ tạo 1 đáy nên thị trường có thể có những phiên bật nảy phục hồi nhưng xác suất cao vẫn chưa thể tìm lại được cân bằng ngay trong ngắn hạn.