Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 của Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố, tính đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đăng ký cấp mới, đã có 153 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD trong tháng đầu năm, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1% còn các ngành khác đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%.
Về vốn đăng ký điều chỉnh, trong tháng 1 đã ghi nhận 89 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 306,3 triệu USD, giảm 75,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 660,8 triệu USD, chiếm 43,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 606,4 triệu USD, chiếm 40,1%, trong khi các ngành còn lại đạt 244 triệu USD, chiếm 16,2%.
Về giá trị góp vốn, mua cổ phần, tháng 1 cũng ghi nhận 204 lượt vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 174,1 triệu USD, giảm 60,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 78 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 150,3 triệu USD và 126 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 23,8 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 112,3 triệu USD, chiếm 64,5% giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 32,1 triệu USD, chiếm 18,4% trong khi các ngành còn lại 29,7 triệu USD, chiếm 17,1%.
Về đối tác đầu tư, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới trong tháng 1. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Quốc 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%; Israel 60 triệu USD, chiếm 5%; đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 47,8 triệu USD, chiếm 4% và Hàn Quốc 38,5 triệu USD, chiếm 3,2%.
Về vốn thực hiện, trong tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,05 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 122,7 triệu USD, chiếm 9,1% còn hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 81,7 triệu USD, chiếm 6%.
Thu hút FDI năm 2023 có thể tăng 30%
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 Việt Nam có thể thu hút 36 - 38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng khoảng 30 - 37% so với năm 2022.
Trong đó, 3 yếu tố quan trọng để thu hút FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 gồm: Kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.
Kết quả khảo sát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy có 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả ở mức trung bình và cao của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất trong thu hút FDI là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); chính sách về bình ổn giá xăng dầu, cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan, chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động.