VPBank chi 585 tỷ đồng thâu tóm bảo hiểm OPES

VPBANK NGÂN HÀNG
15:22 - 18/07/2022
VPBank chi 585 tỷ đồng thâu tóm bảo hiểm OPES
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HoSE: VPB) vừa có Nghị quyết của HĐQT về việc triển khai việc mua vốn Bảo hiểm OPES.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng hơn 47,8 triệu cổ phần của Bảo hiểm OPES, tương đương 87% vốn của công ty này.

Trong khi đó, vốn điều lệ của OPES là 550 tỷ đồng. Với mức giá trung bình 12.200 đồng/cổ phần. Như vậy, VPBank sẽ phải chi gần 585 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại OPES. Sau khi hoàn tất thương vụ này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của VPBank tại OPES chiếm tỷ lệ gần tối đa, 98% vốn điều lệ của công ty.

Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES là một công ty cổ phần bảo hiểm phi nhân thọ mới được thành lập từ tháng 3/2018 và có sản phẩm đầu tiên vào tháng 3/2019.

Báo cáo thường niên năm 2021 của OPES cho thấy, năm 2021 là năm đầu tiên hoạt động kinh doanh của công ty này có lãi sau trích lập dự phòng và doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 943 tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2020. Tổng tài sản của OPES cuối năm ngoái đã vượt 1.000 tỷ VND. Doanh thu phí bảo hiểm gốc trong năm đạt 943 tỷ đồng, tăng trưởng 74% so với cùng kỳ và giúp OPES vươn lên đứng thứ 17/32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Đây được xem là một trong những mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển của VPBank. Cùng với hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với AIA, VPBank tiếp tục tiến sâu vào thị trường bảo hiểm, cả phân khúc bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ sau thương vụ M&A này.

Trước đó, phương án mua vốn góp cổ phần Công ty cổ phần bảo hiểm OPES được HĐQT VPBank đưa ra và được thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 4. Đây cũng là thương vụ M&A thứ 2 mà ngân hàng này lên kế hoạch thực hiện trong năm 2022, sau vụ mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán ASC – hiện là Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank.

Về kết quả kinh doanh của VPBank, kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt trên 11.146 tỷ, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95.000 tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt trên 15%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm 2021. Ngoài ra, tổng tài sản năm 2022 tăng 27% lên 697.413 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 28% lên 413.060 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 35% lên 518.440 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng dự kiến phương án tăng vốn điều lệ thành hai đợt.

Đợt một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.

Ở đợt tăng vốn thứ hai, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ. Nếu hoàn thành đợt tăng vốn thứ hai, vốn điều lệ sẽ tăng lên 79.334 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp