Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin tại họp báo. |
Theo Thiếu tướng Tuyên, hai vụ án này có phạm vi địa phương, khối lượng hồ sơ rất lớn nên tại cuộc họp ngày 30/5 vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tại vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 bị can; thu giữ hơn 300 tỷ đồng, hơn 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và trên 1.000 sổ đỏ các loại.
“Cơ quan điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ để làm rõ hành vi sai phạm của các bị can và đối tượng có liên quan, mở rộng điều tra vụ án, thu hồi tài sản bị thất thoát cho Nhà nước,” đại diện Bộ Công an cho biết.
Tại vụ án Tập đoàn Thuận An, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho hay, Bộ Công an đã khởi tố 18 bị can. Trong tháng vừa qua, cơ quan điều tra đã thu giữ gần 40 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ sai phạm về đấu thầu triển khai các dự án của Tập đoàn Thuận An, mở rộng vụ án, tịch thu tài sản cho Nhà nước và đề xuất xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.
Trước đó, thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, tài liệu điều tra cho thấy trong giai đoạn từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên danh, tham gia và trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh, thành với tổng giá trị trên 23.000 tỷ đồng.
Đặc biệt trong năm 2022-2023, tập đoàn này phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng trị giá 18.000 tỷ đồng, trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, các bị can liên quan vụ án như Nguyễn Duy Hưng, Phạm Thái Hà, Dương Văn Thái và nhiều bị can khác đều khai báo với thái độ thành khẩn, khá chi tiết, làm rõ bản chất vụ án. Một số người chủ động khắc phục hậu quả, thiệt hại.