Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong vòng 10 năm qua, thương mại Việt Nam – Indonesia ghi nhận sự phát triển không ngừng. Nếu như năm 2013, thương mại song phương chỉ đạt 4,82 tỷ USD thì con số này đã lên tới 14,15 tỷ USD vào năm 2022.
Điều này cho thấy sự nỗ lực hợp tác giữa hai nước trong mối quan hệ kinh tế. Tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tổ chức tại Indonesia ngày 5/8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong lĩnh vực kinh tế, Indonesia là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với kết quả năm 2022, ông Vương Đình Huệ cho rằng thương mại hai nước sẽ sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2028.
Tuy nhiên, con số 15 tỷ USD có thể đạt sớm hơn dự kiến. Trong bối cảnh các đối tác thương mại của Việt Nam liên tục sụt giảm sâu về kim ngạch, thương mại với Indonesia chỉ giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (YoY) trong 7 tháng đầu năm 2023 với 7,94 tỷ USD. Đây cũng là thị trường có mức giảm thấp nhất trong khối ASEAN (Lào là nước duy nhất tăng trưởng dương về thương mại với Việt Nam).
Nguyên nhân chính là do tháng 2 và tháng 7, thương mại hai nước tăng trưởng với lần lượt +17% và 4,2% YoY. Nếu tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt, dự kiến năm 2023 thương mại Việt Nam - Indonesia có thể vượt mốc 14,15 tỷ USD và trở thành mức cao kỷ lục.
Trong khối ASEAN, thị trường có thương mại lớn nhất với Việt Nam 7 tháng đầu năm 2023 là Thái Lan (đạt 10,96 tỷ USD) nhưng ghi nhận giảm 11,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với Malaysia giảm sâu hơn với -21%, điều này khiến thị trường lớn thứ hai (trong năm 2022) của Việt Nam chỉ còn đạt 7,06 tỷ USD. Như vậy, Indonesia đã vượt qua Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN 7 tháng đầu năm 2023.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia cao gấp 16 lần
7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Indonesia đạt 2,89 tỷ USD, tăng 8,6% YoY. Có 9 mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá từ 100 triệu USD trở lên với tổng 1,92 tỷ USD, chiếm 66% kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia.
Gạo là mặt hàng đạt kim ngạch cao nhất với 299 triệu USD. Đứng thứ hai là sắt thép với 265 triệu USD, tiếp đến là điện thoại và linh kiện với 230 triệu USD, phương tiện vận tải phụ tùng với 223 triệu USD…
Trong nhóm nông, thủy sản, ngoài mặt hàng gạo, Việt Nam còn xuất khẩu cà phê sang Indonesia (đạt 84,1 triệu USD), thủy sản (11,1 triệu USD), rau quả (4,4 triệu USD) và chè (3,19 triệu USD).
Trong tổng 33 mặt hàng xuất khẩu sang Indonesia, có 15 mặt hàng đạt kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Gạo là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng khi cao gấp 16 lần, đạt 299 triệu USD (cùng kỳ năm trước đạt 18,3 triệu USD). Lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này cũng tăng từ 37.576 tấn (7 tháng đầu 2022) lên 602.667 tấn (7 tháng đầu 2023).
Tương tự gạo, trị giá xuất khẩu clinker và xi măng sang Indonesia ghi nhận tăng tới 2.900% YoY, từ 0,04 triệu USD lên 1,2 triệu USD. Kế đến là hóa chất với +605%, cà phê +132%, điện thoại và linh kiện +89%...
Ngược lại, có 18/33 mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Than là mặt hàng giảm lớn nhất với -87% YoY, đứng sau là cao su với -51,5%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với -51,3%, vải mành, vải kỹ thuật khác với -42,6%...
Một mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch tỷ USD
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Indonesia 7 tháng đầu năm 2023 đạt 5,05 tỷ USD, giảm 6,3% YoY. Đáng chú ý, Việt Nam nhập khẩu than từ Indonesia đạt trị giá 1,3 tỷ USD, tương ứng chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước bạn.
Ngoài than, Việt Nam còn nhập 9 mặt hàng từ Indonesia với kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Bao gồm, sắt thép đạt 702 triệu USD, ô tô nguyên chiếc đạt 399 triệu USD, dầu mỡ động thực vật đạt 351 triệu USD, kim loại thường khác đạt 287 triệu USD…
Hiện tại Indonesia là một trong 11 thị trường trên thế giới và một trong 2 thị trường thuộc ASEAN cung cấp ô tô nhập khẩu cho Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 29.498 chiếc ô tô từ thị trường này, chiếm 36% tổng lượng ô tô nhập khẩu.
Trong nhóm nông sản, ngoài mặt hàng dầu mỡ động thực vật, Việt Nam còn nhập khẩu 4,7 triệu USD hàng hạt điều.
Trong 38 mặt hàng nhập khẩu từ Indonesia, có tới 27 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng âm về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm lớn nhất với -69% YoY, kế đến là sản phẩm khác từ dầu mỏ -63%, dược phẩm -61%...
Ngược lại, có 11 mặt hàng đạt trị giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hạt điều là mặt hàng có mức tăng cao nhất với +74% YoY, tiếp đến là khí đốt hóa lỏng +63%, bông +45%...