Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Ngày mai 28/3 là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,25 USD/thùng, giảm 0,5 USD, tương đương 0,58% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 81,27 USD/thùng, giảm 0,35 USD, tương đương 0,43% so với phiên liền trước.
Mặc dù giảm nhẹ vào phiên sáng nay, nhưng tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 0,09 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 0,41 USD/thùng. Hơn nữa, ngay trong phiên đầu tuần này, cả hai loại dầu đã tăng hơn 1 USD/thùng.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng so với kỳ trước, mức tăng tương đối lớn. Theo cập nhật mới nhất đến ngày 26/3, xăng RON 92 đứng ở mức 104,10 USD/thùng, tăng 1,26 USD; xăng RON 95 ở mức 108,67 USD/thùng, tăng 1,89 USD; dầu diesel ở mức 106,43 USD/thùng, giảm 3,71 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (21/3).
Do đó, dự báo trong kỳ điều hành chiều 28/3, xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 460 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 580 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel được dự báo giảm 260 đồng/lít.
Trường hợp dự báo trên là chính xác, mặt hàng xăng sẽ có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 12 phiên điều chỉnh, trong đó có 5 phiên giảm và 7 phiên tăng.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 26 ngày 26/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Công điện nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường gây tác động ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung xăng dầu thế giới và trong nước; nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu chưa thực hiện nghiêm quy định; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp…
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành xăng dầu, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước và thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước. Từ đó chủ động có các biện pháp từ sớm, từ xa theo thẩm quyền và quy định nhằm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
"Xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử. Kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đơn giản hóa hơn nữa cách thức thanh toán thông qua việc ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và triệt để trong việc lập hóa đơn điện tử kết nối với ngành thuế.
Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo đúng quy định, bám sát diễn biến thị trường
Công điện cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam triển khai ngay việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh, vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam quán triệt các hội viên nghiêm túc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các thương nhân. Đặc biệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.