Nắng nóng kỷ lục gây ra hàng loạt ca tử vong ở châu Âu trong mùa hè 2022. Ảnh: AP |
Theo Straits Times, 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay là thời điểm nóng nhất ở châu Âu kể từ trước tới nay. Mức nhiệt độ đặc biệt cao đã dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất mà lục địa này từng ghi nhận kể từ thời Trung cổ.
Ông Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, cho biết trong số khoảng 15.000 ca tử vong ở châu Âu, có gần 4.000 ca tử vong ở Tây Ban Nha, hơn 1.000 ca ở Bồ Đào Nha, hơn 3.200 ca ở Anh và khoảng 4.500 ca tử vong ở Đức.
Một người đàn ông đứng dưới Đài phun nước Trevi tại Rome, Italy, ngày 19/7. Ảnh: Reuters |
WHO cho biết: “Căng thẳng nhiệt - hiện tượng xảy ra khi cơ thể không thể tự làm mát, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến thời tiết ở khu vực Châu Âu”. Cơ quan này cảnh báo, nhiệt độ khắc nghiệt được xem là mối nguy hiểm đối với những người bị bệnh tim mãn tính, các vấn đề về hô hấp và bệnh tiểu đường.
Trong mùa hè năm nay, châu Âu đã đối mặt với đợt nắng nóng bất thường khi ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng có. Tại miền Đông nước Đức, nhiệt độ đã tăng lên tới gần 40 độ C trong ngày 20/7, trong khi nhiệt độ ở các khu vực phía Tây nước này cũng cao hơn cùng thời điểm trong các năm trước, dao động từ 34 – 37 độ C.
Tại Tây Ban Nha, nhiệt độ ở một số khu vực đã chạm ngưỡng 45 độ C, gây ra hàng chục vụ cháy rừng. Anh cũng lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt 40 độ C hôm 19/7.
Các đợt nắng nóng kỷ lục và khô hạn lịch sử tại châu Âu không chỉ gây thiệt hại về người, mà hoa màu tại lục địa cũng bị tàn phá nghiêm trọng, khi liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng.
Châu Âu đối mặt với mùa hè nắng nóng khắc nghiệt và cháy rừng. Ảnh: AFP |
Các nhà khoa học cho rằng, sự gia tăng các đợt nắng nóng bất thường hiện nay là do tình trạng biến đổi khí hậu. Việc con người sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch (như than đá, khí đốt, dầu mỏ) đã khiến thời tiết nóng hơn, gây ra các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, một vùng áp suất cao di chuyển chậm đã đưa không khí nóng từ Bắc Phi tới châu Âu.
Trong một báo cáo chung của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu vào tuần trước, nhiệt độ ở châu Âu đã tăng 0,5 độ C, cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong 3 thập kỷ qua, cho thấy mức tăng nhanh nhất so với bất kỳ châu lục nào trên Trái Đất. Báo cáo cũng cảnh báo, nhiệt độ tăng trên khắp châu Âu sẽ tiếp tục vượt qua mức nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tương lai.
Theo AFP, từ năm 1961-2021, gần 150.000 người dân Âu đã tử vong do nhiệt độ quá cao.
WHO cảnh báo các đợt nắng nóng và thời tiết khắc nghiệt khác sẽ “dẫn đến bệnh tật và gây ra tử vong nhiều hơn” trong những thập kỷ tới, đồng thời nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập cần có đưa ra những hành động giải quyết nhanh chóng và kịp thời.