Người dân sinh sống gần sông Dnipro đổ đầy nước vào chai để sử dụng. Ảnh: Reuters |
Sau các cuộc không kích của Nga, chính phủ Ukraine cho biết có tới một nửa các cơ sở hạ tầng thuộc hệ thống năng lượng của nước này đã hư hại, khiến viễn cảnh cung cấp đủ điện cho mùa đông tại đất nước này trở nên u ám.
Phản ứng về tất cả các cáo buộc tấn công vào cơ sở dân sự từ Ukraine, hãng thông tấn nhà nước TASS trích dẫn người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Nga không kích các cơ sở hạ tầng năng lượng là hậu quả của việc Kiev tấn công khủng bố cầu Crimea.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, tại một cuộc họp báo ở Kiev ngày 21/11, ông Kluge cho biết WHO dự kiến từ 2 tới 3 triệu người Ukraine sẽ phải rời bỏ nhà của mình để tìm kiếm những nơi ấm áp và an toàn hơn khi mùa đông tới.
RT trích dẫn lời ông Kluge cho biết khi rời bỏ nhà của mình, những người di cư này sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về mặt sức khỏe, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như Covid-19, viêm phổi và cúm. Ngoài ra, các nhóm dân số chưa được tiêm phòng cũng phải đối diện với nguy cơ mắc các bệnh như bạch hầu và sởi.
Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, hơn 7,8 triệu người tị nạn từ Ukraine đã di cư sang châu Âu trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev bùng phát vào cuối tháng 2. Khoảng 4,7 triệu người trong số đó đã được đăng ký Bảo vệ tạm thời hoặc các chương trình bảo vệ quốc gia tương tự trên khắp EU. Nga cũng đã đón tới hơn 2,8 triệu người Ukraine di cư – con số lớn nhất trong các quốc gia châu Âu.
Tuy nhiên những người lựa chọn ở lại cũng không được hưởng cuộc sống thuận lợi hơn. Với cuộc khủng hoảng năng lượng trước mắt, nhiều người sẽ buộc phải sử dụng các phương pháp sưởi ấm thay thế như đốt than, củi hay sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Các phương pháp sưởi ấm này tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe và khiến trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp và tim mạch tiếp xúc với các chất độc hại. Nguy cơ xảy ra cháy nổ, bỏng hay tai nạn cũng cao hơn nhiều.
Trên hết, ngoài việc bị ảnh hưởng tới thân thể, người dân Ukraine cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần. Ông Kluge cho biết khoảng 10 triệu người Ukraine đã và đang “có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như căng thẳng cấp tính, lo lắng, trầm cảm, sử dụng chất kích thích và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD)”.
Với tình hình chiến sự chưa hạ nhiệt hiện tại và tình trạng mất điện triền miền do hư hỏng cơ sở vật chất trên khắp Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục cho tới ít nhất là cuối tháng 3 theo Reuters phỏng vấn một nhà cung cấp năng lượng lớn tại Ukraine hôm 21/11.
Để tiết kiệm điện, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cư dân Kiev và một số khu vực khác bị ảnh hưởng nặng nề như Vinnytsia ở phía tây nam, Sumy ở phía bắc và Odesa trên Biển Đen hạn chế tiêu thụ năng lượng cá nhân hết mức có thể.
Mặt khác, Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk trong thông báo trên Telegram cho biết các cư dân Kherson – nơi quân đội Nga vừa rút – có thể được sơ tán tới những nơi an toàn hơn khi mùa đông đến.