Ảnh minh họa. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào trọn trong tháng 2, nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng này (IIP) ước tính giảm 18% so với tháng trước (MoM) và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 15,3% YoY; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự hồi phục tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 2,9%). Sức hồi phục tích cực đến từ ngành chế biến, chế tạo khi tăng 5,9% YoY (trong khi cùng kỳ giảm 3,1%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, mức tăng cao nhất đến từ ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, tăng 27,7%. Kế đó là ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, tăng 25,3%.
Những tháng gần đây, ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất thường lọt vào nhóm những ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là tháng đầu tiên ngành này dẫn đầu mức tăng trưởng các ngành công nghiệp trọng điểm cấp II trong vòng một năm qua.
Ở chiều ngược lại, mức giảm lớn nhất đến từ ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị, giảm 21,8%, gấp 2,4 lần mức giảm của ngành đứng thứ hai là ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 9,4%).
Xét trên các địa phương, trong 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Nhìn chung, tốc độ tăng của các địa phương đứng đầu có phần chững lại so với tháng 1 nhưng tốc độ giảm của các địa phương đứng cuối có xu hướng sâu hơn so với tháng trước.
Đây là tháng thứ 7 liên tiếp và là tháng thứ 8 trong vòng một năm qua Trà Vinh dẫn đầu tốc độ tăng IIP của các tỉnh thành. Đặc biệt, lần này, mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 của Trà Vinh đạt tới 63,2%, gấp 2,2 lần địa phương đứng thứ hai là Bắc Giang (28,7%).
Một trong những nguyên nhân có thể kể đến mức nền thấp của cùng kỳ năm trước, khi đó Trà Vinh là một trong 3 địa phương ghi nhận mức giảm chỉ số IIP lớn nhất (giảm 21%). Ngoài ra, mức tăng 102,3% của chỉ số IIP ngành sản xuất và phân phối điện cũng giúp Trà Vinh gia tăng tốc độ tăng trưởng chỉ số IIP nói chung so với cùng kỳ.
Tháng này, Khánh Hòa tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng đột biến chỉ số IIP ngành ngành sản xuất và phân phối điện, tăng tới 318,8%.
Ở chiều ngược lại, Sơn La có tháng thứ 2 liên tiếp dẫn đầu mức giảm (giảm 25,3%) và là tháng thứ 9 trong vòng một năm trở lại đây nằm trong top 3 địa phương ghi nhận mức giảm chỉ số IIP lớn nhất.
Về các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 2 tháng đầu năm 2024 mức tăng lớn nhất đến từ lĩnh vực xăng dầu (tăng 44,7%). Đây là tháng đầu tiên sản xuất xăng dầu đạt vị trí số 1 về tăng trưởng, nhưng là tháng thứ 8 nằm trong top 3 sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng mạnh nhất trong vòng một năm qua.
Ngược lại, linh kiện điện thoại tiếp tục có tháng thứ hai là sản phẩm có mức giảm lớn nhất, lên tới 20,8%. Kế đó là khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,1%; ti vi giảm 13,7%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tính tại thời điểm 1/2/2024 tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm trước.