Nhờ việc giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu gạo đã vượt con số kỷ lục chỉ với 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu, thấp hơn con số 7,1 triệu tấn của năm 2011.
Từ đầu năm tới nay, giá gạo xuất khẩu bình quân ở mức cao, đạt trung bình 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đỉnh điểm, khoảng giữa tháng 8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên tới gần 650 USD/tấn.
Hiện tại đang là thời điểm bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa thu đông, do đó, nhiều khả năng xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt được tối đa khoảng 7,8 - 7,9 triệu tấn, lập kỷ lục mới cả về khối lượng và trị giá.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 6/10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức ổn định, trong khi giá gạo Thái Lan và Pakistan tiếp tục giảm nhẹ. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo 5% tấm ở mức 613 USD/tấn, giá gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan đồng loạt giảm 3 USD/tấn xuống mức 583 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 535 USD/tấn với gạo 25% tấm. Cùng với đó, giá gạo của Pakistan cũng giảm 10 USD/tấn xuống còn 548 USD/tấn với gạo 5% tấm và 488 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Như vậy, tính đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 30 USD/tấn so với hồi cuối tháng 8, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với giá của các quốc gia xuất khẩu khác
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu với kim ngạch đạt 1,22 tỷ USD, tương ứng với 2,34 triệu tấn gạo.
Kế đó là Trung Quốc với kim ngạch 452 triệu USD, đạt hơn 786 nghìn tấn, chiếm 13,5%. Đứng thứ 3 là Indonesia khi đạt 361 triệu USD với hơn 718 nghìn tấn, chiếm 12,4.
Ngoài ra, các khu vực thị trường khác như châu Phi (Ghana, Angola…) và EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha…) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa của cả nước 9 tháng năm 2023 ước đạt 32,1 triệu tấn (chiếm khoảng 74,7% tổng sản lượng cả năm), tăng 1,3% (so cùng kỳ năm trước).
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nâng cao trình độ canh tác, sản xuất lúa 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Nguồn cung dồi dào cũng tạo điều kiện cho việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh nhu cầu gạo trên thế giới tăng cao.
Đến giữa tháng 9, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 604,2 nghìn ha lúa thu đông, tăng 5% cùng kỳ năm trước.
Tiến độ gieo cấy lúa thu đông năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do các địa phương mở rộng diện tích, tập trung gieo cấy sớm và tình hình thời tiết, nguồn nước thuận lợi cho gieo trồng lúa.
Hiện lúa thu đông sinh trưởng và phát triển khá tốt, tình hình sâu bệnh tuy có phát sinh nhưng phòng trị kịp thời nên mức độ gây hại không đáng kể. Như vậy, trong bối cảnh thị trường tiếp tục diễn biến theo hướng tích cực, đến đầu năm 2024, doanh nghiệp sẽ có gạo sớm để xuất khẩu.