Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương Việt - Mỹ đạt 14,9 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 13 tỷ USD, giảm 21%, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, giảm 14%. Chủ yếu do mức giảm mạnh của kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1.
Chỉ trong vòng 2 tháng, Việt Nam đã có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang thị trường Mỹ, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (2,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,2 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (1,6 tỷ USD) và hàng dệt may (gần 2 tỷ USD).
Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng có thế mạnh xuất khẩu vào Mỹ như gỗ và sản phẩm gỗ (785 triệu USD), hàng dệt, may (890 triệu USD), và các sản phẩm nông sản của Việt Nam như hàng thủy sản (155 triệu USD), hạt điều (92 triệu USD), cà phê (52 triệu USD), hạt tiêu (28 triệu USD)…
Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu một số loại nguyên liệu cho sản xuất, trong đó có các loại thức ăn gia súc là nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm 14,5% thị phần trong giỏ hàng nhập khẩu của Việt Nam. Hai mặt hàng chính trong nhóm này là hàng đậu tương (đạt gần 150 USD), hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu (đạt 125 triệu USD), là 2 trong số 5 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ trên 100 triệu USD của Việt Nam.
Các mặt hàng nhập khẩu trên 100 USD còn lại gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (390 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (118 triệu USD) và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (111 triệu USD).
Sản phẩm hữu cơ là lối đi mới để phát triển xuất khẩu bền vững
Là một trong những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo đi các thị trường Mỹ và EU, bà Trần Huyền, đại diện CTCP Hoàng Minh Nhật, cho biết, hiện nay, Mỹ và các thị trường EU ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm nông sản.
Theo bà Huyền, hiện nay, người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng tìm đến những sản phẩm hữu cơ. Vì vậy, việc chuyển đổi, gia tăng thêm các vùng trồng sạch, hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là vấn đề doanh nghiệp, người nông dân, sản xuất cần quan tâm, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, giúp giá và thương hiệu gạo Việt Nam tăng cao trên thị trường quốc tế.
Ví dụ thực tế, Hoàng Minh Nhật có một vùng trồng gạo hữu cơ riêng tại Cần Thơ với chi phí sản xuất cao hơn khoảng 15% so với gạo thường, nhưng giá xuất khẩu vào Mỹ của doanh nghiệp đạt khoảng 908 USD/tấn. Cao hơn khá nhiều so với giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 là 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với mức giá bình quân cùng kỳ năm 2022 (theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan).
Tuy nhiên, trao đổi với Mekong ASEAN, bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công Ty TNHH Hồ Tiêu Việt, công ty sản xuất, phân phối và xuất khẩu các sản phẩm gia vị cho biết, hiện nay, ngoài thị trường EU yêu cầu khá cao với các sản phẩm hữu cơ, đối với các thị trường khác, sản phẩm hữu cơ chỉ là một điểm cộng trong mắt người tiêu dùng chứ chưa phải là yếu tố quyết định.
Theo bà Thương, một lý do khác khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ là do hiện nay, các vùng trồng hữu cơ còn manh mún, nhỏ lẻ, nên chí phí đầu tư cao nhưng năng suất còn thấp.
Các chi phí để gây dựng vùng trồng ban đầu rất cao, từ việc quy hoạch vùng trồng, mời chuyên gia về thiết kế, thẩm định vùng trồng, chọn giống tới quá trình canh tác theo tiêu chuẩn…
Do đó, để phát triển sản xuất nông sản hữu cơ, bà Thương kiến nghị cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng, để các vùng trồng hữu cơ được tập trung, đầu tư trên quy mô lớn, giúp cho ra năng suất cao hơn với chi phí bỏ ra ban đầu không quá cao.