Nhật Bản dẫn đầu về tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam với 51.859 người trong 9 tháng năm 2022. |
Số liệu thống kê mới nhất vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố cho thấy, chỉ tính riêng tháng 9/2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.180 người. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động, đạt 114,47% kế hoạch năm 2022 và tăng 240,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 là đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Như vậy, xuất khẩu lao động năm 2022 của Việt Nam đã về đích sớm và vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong đó thị trường Nhật Bản dẫn đầu về tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam (51.859 người) theo sau là Đài Loan (Trung Quốc) với 44.584 lao động, Hàn Quốc với 1.668 lao động, Singapore 1.498 lao động.
Riêng với thị trường Nhật Bản, Bộ LĐTB&XH đánh giá đây là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc.
Liên quan đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, mới đây tại phiên họp của Ủy ban Xã hội của Quốc hội hôm 29/9, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 đã dần hồi phục trở lại, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Hiện nay có trên 600.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm.
Trước đây, do dịch bệnh Covid-19, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc. Đến nay, các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi thích ứng nhằm phục hồi phát triển kinh tế. Một trong những chính sách đó là mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021); Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021) và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria. Với các quốc gia khác nhau thì bản thỏa thuận hợp tác sẽ khác nhau. Có quốc gia, hai bên sẽ ký hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng có quốc gia bản hợp tác chỉ ký 1 đến 2 lĩnh vực như Đức về điều dưỡng viên và ngành có tính chất công nghệ cao như ô tô.
Trong thời gian tới, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Bộ cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đi nước ngoài làm việc nhằm học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước.