Xuất khẩu thép dự ứng lực của Hòa Phát tăng mạnh

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
15:35 - 23/11/2021
10 tháng năm 2021, Hòa Phát xuất khẩu hơn 20.000 tấn thép dự ứng lực
10 tháng năm 2021, Hòa Phát xuất khẩu hơn 20.000 tấn thép dự ứng lực
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài Mỹ và Đài Loan, Hòa Phát tiếp tục khai thác nhiều thị trường xuất khẩu mới tiềm năng như Canada, Singapore, Malaysia, Campuchia, Srilanka, Myanmar…

10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng bán hàng các loại thép dự ứng lực (PC Bar và PC Strand) của Công ty Chế tạo Kim loại Hòa Phát đạt gần 75.000 tấn. Trong đó riêng xuất khẩu đóng góp 27% với hơn 20.000 tấn, gấp đôi cùng kỳ năm 2020.

Thép PC Bar và PC Strand của Hòa Phát đáp ứng các tiêu chuẩn ASTM A416/A416M-17 của Mỹ, đảm bảo tính chất cơ lý, độ bền kéo nén và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác, được sử dụng trong những công trình quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật, khả năng chịu tải, độ an toàn cao như tháp, cầu cạn, cầu vượt biển, nhà cao tầng, cáp treo.

Sản phẩm thép dự ứng lực của Hòa Phát được khách hàng nước ngoài đánh giá rất cao về chất lượng. Do đó, trong thời gian vừa qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sản lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát vẫn có mức tăng trưởng cao.

Doanh nghiệp liên tiếp mở ra các thị trường xuất khẩu mới. Ngoài Mỹ và Đài Loan, thép dự ứng lực của Hòa Phát đã xuất khẩu sang một số thị trường mới như Canada, Singapore, Malaysia, Campuchia, Srilanka, Myanmar…

Dự kiến trong năm 2022, công ty sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền PC Strand số 2 tại Nhà máy thép dự ứng lực (Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi) nhằm tăng sản lượng lên gấp 2 lần 2021. Đồng thời, dây chuyền PC Wire đầu tiên dự kiến sẽ chạy thử vào tháng 2/2022.

Công ty Chế tạo Kim loại Hòa Phát chuyên sản xuất kinh doanh các sản phép đặc thù như thép dây mạ kẽm, thép dự ứng lực, mặt bích dùng cho sản xuất cọc bê tông dự ứng lực. Việc tự chủ nguyên liệu đầu vào từ các Khu liên hợp gang thép của Hòa Phát đã đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho Công ty, tối ưu hóa giá trị hệ sinh thái sản phẩm thép của Tập đoàn.

Dây chuyền sản xuất thép dây mạ kẽm giai đoạn 3 dự kiến sẽ lắp đặt và đưa vào hoạt động tháng 3/2022. Dây chuyền mới có nhiều cải tiến và công nghệ cao giúp tăng chất lượng sản phẩm dây mạ đáp ứng nhu cầu hàng xuất khẩu đi những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Hàn Quốc...

Cũng trong năm 2022, Hòa Phát dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất phụ kiện kim loại phục vụ xây dựng, cầu đường và góc vỏ container, phục vụ Nhà máy sản xuất vỏ container Hòa Phát. Nhà máy được đặt ngay cạnh dự án Container Hòa Phát tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới.

Tập đoàn Hòa Phát hiện nay có vốn điều lệ 44.729 tỉ đồng, lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Theo tin Mekong-ASEAN đã đưa, ngày 6/10/2021, Refinitiv Eikon, hãng dữ liệu tài chính của Anh quốc (tiền thân là Thomson Reuters Data) công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới và Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đứng thứ 15 trong danh sách này.

Với mức vốn hóa 11 tỉ USD (tương đương 247.000 tỷ Đồng), Tập đoàn Hòa Phát có mức vốn hóa lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn thép JFE Holdings có sản lượng hàng đầu Nhật Bản (8,9 tỉ USD) đứng thứ 19, Tập đoàn BlueScope Steel của Australia (7,3 tỉ USD) xếp thứ 23 trong danh sách.

Trong phiên giao dịch ngày 6/10/2021, cố phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát chính thức lập đỉnh mới khi đóng cửa ở mức 56.100 đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp