63% ca nhiễm đậu mùa khỉ tại Việt Nam đang mắc HIV, chủ yếu là nam giới

đậu mùa khỉ Y Tế
12:30 - 09/11/2023
63% ca nhiễm đậu mùa khỉ tại Việt Nam đang mắc HIV, chủ yếu là nam giới
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ Bộ Y tế, chỉ trong vòng 4 tháng, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 10, Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), bao gồm 2 ca nhập cảnh vào năm 2022. Trong đó khoảng 63% ca bệnh đang nhiễm HIV.

Các trường hợp bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh/thành phố, trong đó 1 trường hợp tử vong tại TP HCM. Tuổi trung bình các ca nhiễm là 32 (18-49), hầu hết là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM): 78,6%, dị tính (8,9%).

Trong đó, khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Theo Bộ Y tế, đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại Việt Nam, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TP HCM.

Để chủ động giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai việc đẩy mạnh giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu).

Đồng thời, các địa phương cần lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV) để phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị.

Các địa phương cũng cần quản lý các trường hợp bệnh, người tiếp xúc không để lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Đồng thời, chủ động xây dựng, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ:

Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn virus xâm nhập vào cơ thể kéo dài 0 - 5 ngày, thường có các triệu chứng là sốt đau đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ, hạch lympho viêm và sưng đau, kiệt sức.

Giai đoạn thứ hai là phát ban ngoài da, thường bắt đầu từ 1-3 ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Ban ngoài da đa dạng gồm có ban dát sẩn, cục sẩn, mụn nước, mụn mủ và thường tập trung ở vùng mặt và ngọn chi hơn là ở vùng thân mình. Ban mọc chủ yếu ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngoài ra cũng hay gặp ở niêm mạc miệng, niêm mạc sinh dục và kết giác mạc.

Tin liên quan

Đọc tiếp